Ngay gần trung tâm huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), nông trại sinh thái của anh Trương Quang Bảy (xã Ngũ Kiên) là một địa điểm vui chơi, nghỉ dưỡng ưa thích của người dân quanh vùng, cũng như nhiều du khách. Đến đây, du khách thăm quan có thể được câu cá, trải nghiệm ẩm thực đồng quê… Nông trại còn có khu vực chăn nuôi với các loại vật nuôi dễ chăm sóc và gần gũi với trẻ em như: Bò, dê, gà…
Theo anh Trương Quang Bảy, mô hình nông trại sinh thái của anh có diện tích hơn 1 ha và được quy hoạch thành nhiều khu vực khác nhau. Khu vực sân vườn được trang trí nhiều loại cây tiểu cảnh kết hợp trồng thêm 400 gốc mít ta và nhiều loại cây bóng mát. Khu nhà điều hành được thiết kế theo phong cách mộc mạc, đậm chất làng quê. Mặt hồ rộng 6 sào được bố trí làm hồ nuôi cá và mở hồ câu dịch vụ.
Chị Nguyễn Thị Huế (du khách đến từ Hà Nội) cho biết, gia đình chị thường xuyên có những chuyến đi tham quan vào cuối tuần. Nông trại sinh thái ở huyện Vĩnh Tường nằm cách Hà Nội chừng 60 km, giao thông đi lại thuận tiện, nên đây là lần thứ 3 gia đình chị đến với nông trại sinh thái của anh Trương Quang Bảy để nghỉ dưỡng, vui chơi.
“Chi phí cho một chuyến tham quan trang trại không lớn, nhưng các bạn nhỏ trong gia đình tôi được khám phá thiên nhiên cho nên mọi người đều rất thích” chị Huế chia sẻ.
Hay như tại nông trại của anh Trần Duy Đoan, xã Nhân Đạo (Sông Lô, Vĩnh Phúc) cũng đang thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan. Theo đó, tháng 4/2021, anh Đoan đầu tư xây dựng các khu nhà kính công nghệ cao; thiết kế cảnh quan, sơ đồ các khu vực sản xuất, khu thăm quan học tập và trồng 1.400 gốc nho hạ đen trên diện tích 4.000 m2.
Sau 1 năm trồng, chăm sóc, sản lượng nho đã đạt 3,5 tấn với giá bán hiện nay hơn 150.000 đồng/kg, anh thu về hơn 500 triệu đồng. Đến nay, ngoài nho là cây chủ lực, nông trại còn trồng thêm dưa lưới và dâu tây.
Theo anh Trần Duy Đoan, nông trại của anh không chỉ có cho thu nhập từ các sản phẩm nông sản mà còn đến từ hoạt động du lịch, trải nghiệm. Mỗi năm, nông trại của anh thu hút gần 10.000 lượt khách tới tham quan và trải nghiệm thực tế, trong đó, khoảng 20% khách tham quan tới từ các cơ sở, đơn vị giáo dục trên địa bàn huyện và các tỉnh lân cận.
Dù mới đưa vào hoạt động, nhưng cách làm du lịch sinh thái như anh Đoan, anh Bảy đang đi đúng với chủ trương, định hướng của tỉnh về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài mô hình nông trại sinh thái của anh Trương Quang Bảy, anh Trần Duy Đoan, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn hình thành một số mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, trải nghiệm, giáo dục nhận được rất nhiều sự quan tâm của du khách. Tiêu biểu như mô hình trồng rau sạch của Hợp tác xã nông nghiệp Đại Lải, xã Ngọc Thanh (Phúc Yên); mô hình trồng dưa lưới của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Vườn Xanh, xã Hồng Châu (Yên Lạc); mô hình trồng nho của Hợp tác xã Quảng Phúc, xã Yên Bình (Vĩnh Tường)…
Khi đến các địa điểm này, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động thú vị như: Tìm hiểu về động thực vật, tham quan, tự tay thu hoạch trái cây hay trồng cây… Hoạt động này không chỉ mang lại giá trị to lớn về mặt sản xuất nông nghiệp, mà còn góp phần phát triển và quảng bá du lịch địa phương. Từ đó giúp giải quyết đầu ra cho nông sản và thúc đẩy phát triển thương mại nông nghiệp. Sự phát triển của loại hình du lịch này sẽ tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn dựa trên giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan, đồng thời thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng mô hình du dịch nông thôn theo hướng du lịch xanh bền vững, hỗ trợ và khuyến khích phát triển kinh tế trang trại để hình thành mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị gắn với du lịch trải nghiệm giáo dục - du lịch học đường, du lịch sinh thái; xây dựng các Tour, tuyến du lịch liên kết giữa các điểm du lịch nông thôn nhằm bổ sung tính đa dạng cho các loại hình sản phẩm du lịch, phát triển làng nghề và nhóm sản phẩm lưu niệm… Lồng ghép quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm du lịch nông thôn trong các chương trình xúc tiến quảng bá về du lịch Vĩnh Phúc trên các kênh truyền thông, các ấn phẩm du lịch.
Cùng với đó đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền về du lịch nói chung và du lịch nông thôn nói riêng trên nền tảng công nghệ số qua cổng thông tin điện tử, mạng xã hội,…; đẩy mạnh gắn kết, lồng ghép với công tác tuyên truyền trong xây dựng NTM; xây dựng mạng lưới đối tác du lịch nông thôn để kết nối đầu tư, kết nối thông tin cung - cầu du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp, công ty lữ hành liên kết với người dân, cộng đồng địa phương xây dựng các mô hình du lịch nông thôn; tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc như: “Vĩnh Phúc ‑ Xuân về mang đến yêu thương”; triển lãm quảng bá du lịch chủ đề “Vĩnh Phúc ‑ Du lịch qua miền di sản”, lễ hội ẩm thực Vĩnh Phúc, “ Khai mạc du lịch Chào Hè 2023”, “ Khai trương Cổng thông tin du lịch thông minh”…
Trong thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo các ngành và địa phương đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; coi trọng việc ứng xử giao tiếp lịch sự, đúng chuẩn mực, văn hóa, văn minh tại các khu du lịch, nhất là du lịch tại các nông trại sinh thái nói trên nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và ý thức cộng đồng địa phương về phát triển du lịch nói chung, du lịch nông trại sinh thái nói riêng.