Nền tảng vững chắc để phát triển
Suốt chiều dài lịch sử, tỉnh Vĩnh Phúc có thể tự hào khi đã tích lũy cho mình lượng di sản văn hóa đồ sộ. Toàn tỉnh hiện có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 65 di tích cấp quốc gia, 1 bảo vật quốc gia, 356 di tích cấp tỉnh, trong đó có nhiều di tích rất giá trị, như: Tháp Bình Sơn (huyện Sông Lô), cụm đình Hương Canh (huyện Bình Xuyên), đình Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường)... Một số công trình văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng nổi tiếng như Thiền Viện Trúc lâm Tây Thiên, đền Bà Chúa Thượng Ngàn Tam Đảo, chùa Tích Sơn. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc còn có 7 Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Hát ca trù, Lễ hội kéo song Hương Canh, Lễ hội đền Ngự Dội, hát Soọng cô của người Sán Dìu, hát trống quân Đức Bác, tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên và Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng.
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa di sản, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều đề án, chương trình hành động cụ thể. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã phối hợp với các huyện, thành phố thực hiện công tác kiểm kê số lượng, hệ thống hiện vật tại di tích, hiện trạng đất đai cũng như công tác bảo vệ di tích của các địa phương. Rà soát, triển khai các hoạt động bảo tồn, khai thác và tu bổ, chống xuống cấp các di tích, danh thắng tiêu biểu. Hằng năm, Sở VHTT&DL phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã và người trực tiếp trông coi di tích.
Đồng thời, tích cực phối hợp với các ban, ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền các quy định của Luật Di sản văn hóa (DSVH) và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của Nhân dân trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH các dân tộc trên địa bàn. Công tác xã hội hóa được đẩy mạnh đã huy động sự tham gia, đóng góp của Nhân dân trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa.
Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm sưu tầm, nghiên cứu phục dựng các trò diễn truyền thống. Truyền dạy, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ. Kế thừa, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng làng xã trong các lễ hội dân gian. Hướng dẫn, tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xét tặng Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân ưu tú và công nhận các loại hình DSVH...
Đẩy mạnh khai thác các giá trị văn hoá
Huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có nhiều đồng bào DTTS sinh sống đang lưu giữ và phát triển di sản văn hóa phi vật thể hát trống quân Đức Bác. Với ca từ mộc mạc, giản dị và cực kỳ sâu lắng, cuốn hút người nghe, hát trống quân Đức Bác đang ngày càng thu hút được lượng lớn người theo học, nhất là các bạn trẻ. Những vị cao niên đi trước truyền dạy lại kinh nghiệm cho lớp trẻ theo sau. Cứ như thế, giá trị của loại hình văn hóa này được gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ. Vào các dịp lễ, tết, Câu lạc bộ hát trống quân Đức Bác lại tổ chức các buổi biểu diễn tại nhà văn hóa thôn hoặc trên bãi sông, góp phần phục dựng, khơi gợi lại nét đẹp văn hóa xưa.
Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch thực hiện truyền dạy trực tiếp hát trống quân Đức Bác tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn xã Đức Bác, huyện Sông Lô giai đoạn 2021 - 2025, nhằm trao truyền tinh hoa văn hóa của địa phương cho thế hệ trẻ, giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc. Theo đó, chương trình sẽ được phổ biến truyền dạy các làn điệu trống quân dễ nhớ, dễ thuộc, tính chất tươi vui, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh. Các làn điệu được sáng tạo nghệ thuật, bảo đảm giữ nguyên giá trị cốt lõi, không thực hành truyền dạy sai lệch, biến thể cách điệu hiện đại hóa.
Một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc khác của Vĩnh Phúc, chúng ta không thể không nhắc tới là tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên không chỉ là tín ngưỡng của một địa phương, một vùng, mà là tín ngưỡng mang tính quốc gia. Đồng thời là biểu tượng văn hóa của tỉnh Vĩnh Phúc, là di sản mang giá trị về lịch sử, văn hóa, về truyền thống yêu nước của các dân tộc đoàn kết chống giặc ngoại xâm.
Nghi thức Lễ trong Lễ hội Tây Thiên mang những nét độc đáo riêng, gồm: Lễ Cáo, lễ tạ, lễ rước và lễ dâng hương. Lễ vật không thể thiếu khi dâng Mẫu, đó là: Hoa quả, một mâm xôi, oản, gạo, trứng, một con lợn quay và hoa huệ trắng. Đó là những sản vật đặc trưng của núi rừng Tây Thiên, được chuẩn bị bởi bàn tay đảm đang, cần mẫn của những phụ nữ dân tộc Sán Dìu. Lễ rước gồm 3 đoàn là Kiệu văn đền Mấu Sinh, kiệu Văn đền Mẫu Hóa và kiệu Bát cống đền Ngò, đoàn rước gồm trên 100 người dân địa phương rước từ Đền Mẫu Sinh đến đền Thõng dài khoảng 4.000m. Lễ cáo thu hút đông đảo du khách thập phương bởi những nét độc đáo riêng.
Phần tế lễ trang trọng, đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc như: Rước kiệu, múa xênh tiền, hoạt cảnh chèo mô tả truyền thuyết Quốc Mẫu Tây Thiên đánh đuổi giặc ngoại xâm thống nhất giang sơn. Với phần hội, có rất nhiều hoạt động phong phú như: Thi gói bánh chưng gù, giã bánh giầy, hội vật, kéo co, chọi gà... cùng các trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn miền bán sơn địa.