Giá trị văn hoá to lớn
Cây di sản thuộc họ thân gỗ lớn, đang sống trên 100 năm tuổi đối với cây trồng và trên 200 năm tuổi đối với cây tự nhiên, có giá trị về cảnh quan, môi trường, khoa học, văn hóa, lịch sử... được cộng đồng đề xuất, chủ sở hữu cây đăng ký, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận, bảo tồn tốt nhất theo khả năng. Việc bảo tồn, chăm sóc cây di sản góp phần quan trọng bảo vệ môi trường tự nhiên và nguồn gen quý hiếm.
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có khoảng 20 cây di sản, phân bố rải rác ở nhiều huyện như: Lập Thạch, Sông Lô, Yên Lạc, Vĩnh Tường…
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn cây di sản, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực vào cuộc, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Là xã miền núi, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mới đây tại địa bàn xã Liên Hoà, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chính thức công bố quyết định và trao Bằng công nhận cây di sản Việt Nam cho 2 cây đa trong khuôn viên Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh - đình Ngọc Liễn.
Theo GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội đồng cây di sản Việt Nam, hai cây đa tía (có tên khoa học Ficus bengalensis) gần 200 tuổi nằm trong khuôn viên đình Ngọc Liễn được công nhận là cây di sản bởi giá trị văn hóa, giá trị tâm linh, giá trị lịch sử, đặc biệt là giá trị về nguồn gen thực vật trong hệ sinh thái mà cây mang lại. Trở thành cây di sản Việt Nam, hai cây đa tía góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên địa bàn, nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng dân cư.
Hay về với xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp uy nghiêm của cây đa trăm tuổi nằm trong khuôn viên đình Hội Thịnh. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cây đa vẫn mang sức sống trường tồn, trở thành “mộc linh” quý của làng.
Ông Phùng Đắc Bằng, Trưởng Ban Di tích đình Hội Thịnh cho biết: “Người dân làng Hội Thịnh tâm niệm, cây đa mang đến yên vui, no ấm cho địa phương. Vì vậy người dân địa phương luôn có ý thức chăm sóc, bảo vệ cây đa. Hằng năm, dân làng cùng nhau khơi thông, tạo hốc chứa nước nơi gốc cây; trồng thảm cỏ vừa tạo cảnh quan, vừa làm mát gốc, rễ cây; cắt tỉa cành gọn gàng, hợp lý, diệt các loài tầm gửi sống nhờ thân cây, đảm bảo cây quang hợp và phát triển tốt”.
Triển khai giải pháp bảo tồn cây di sản
Có được cây di sản đã khó, việc chăm sóc, bảo tồn chúng còn gian nan bội phần. Do tuổi thọ cao, các cây di sản dễ bị xâm hại bởi sâu bệnh và thiên tai. Để bảo vệ cây di sản, cần có sự chung tay của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và cả cộng đồng.
Hiện nay, việc bảo vệ, chăm sóc cây di sản vẫn do các chủ cây, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư nơi có cây đảm nhận. Hiện chưa có quy chế cụ thể, thống nhất và sự phân cấp quản lý trong lĩnh vực bảo tồn, chăm sóc cây di sản. Tùy điều kiện thực tế, mỗi địa phương, đơn vị có cách bảo tồn, bảo vệ cây di sản riêng. Trong khi đó, các cây di sản đều già cỗi, việc chăm sóc cần có kỹ thuật và kinh phí lớn nhưng nguồn lực trong Nhân dân còn hạn chế. Do đó, việc tìm nguồn kinh phí bảo vệ, chăm sóc cây di sản gặp nhiều khó khăn.
Trước những khó khăn, vướng mắc đó, các cấp, ngành và chính quyền địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chung tay chăm sóc và bảo vệ tốt các cây di sản, thường xuyên theo dõi sự phát triển, sinh trưởng của cây, tham vấn ý kiến các chuyên gia để có biện pháp chăm sóc phù hợp, kéo dài tuổi thọ của cây.
Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn cây di sản, tiến tới xã hội hóa việc chăm sóc, bảo vệ cây di sản. Khuyến khích đưa nội dung bảo vệ cây di sản vào hương ước, quy ước của địa phương. Đồng thời, cần ban hành quy chế bảo vệ cây di sản, đồng thời, coi bảo vệ cây di sản là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức. Phối hợp giáo dục truyền thống, văn hóa tâm linh, phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di tích và cây di sản, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hình thành ý thức quý trọng, bảo vệ cây di sản cho các tầng lớp Nhân dân.
Việc công nhận danh hiệu cây di sản nhằm bảo vệ những cây có ý nghĩa về mặt sinh học, môi trường, văn hóa. Tuy nhiên, công tác phối hợp chăm sóc cây sau khi phong danh hiệu cũng rất quan trọng, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào lãnh đạo địa phương hay một vài cá nhân sở hữu cây mà cần sự chung tay của cả cộng đồng.