Tại huyện miền núi Sông Lô, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện được đầu tư khá hiện đại và đồng bộ như: Máy X-quang cao tần hệ thống xét nghiệm tự động, máy siêu âm tim; máy chụp cắt lớp vi tính (CT scanner); hệ thống nội soi tiêu hóa và can thiệp; hệ thống nội soi tai - mũi - họng và can thiệp; hệ thống máy xét nghiệm ung thư sớm; hệ thống chạy thận nhân tạo… TTYT huyện Sông Lô là đơn vị y tế tuyến huyện đầu tiên được đầu tư xây dựng, lắp đặt phòng mổ theo tiêu chuẩn châu Âu với hệ thống phẫu thuật nội soi hiện đại. Về đội ngũ cán bộ, nhân viên, hiện, Trung tâm có hơn 160 cán bộ, bác sĩ, trong đó có hơn 40 bác sĩ, 3 bác sĩ CKII, 16 bác sĩ CKI…
TTYT huyện đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, chất lượng, giúp người dân tiếp cận các kỹ thuật với chất lượng cao ngay tại cơ sở. Nổi bật là các kỹ thuật chuyên sâu như: Phẫu thuật nội soi (cắt ruột thừa; thoát vị bẹn; thoát vị thành bụng; điều trị bệnh trĩ; điều trị bệnh sa trực tràng; cắt túi mật do viêm, do sỏi, do polyp; điều trị thủng dạ dày, ruột); phẫu thuật giãn tĩnh mạch tinh, tràn dịch màng tinh hoàn, sa niêm mạc niệu đạo, tán sỏi niệu quản, bàng quang nội soi, cắt u xơ tuyến tiền liệt, nội soi bàng quang sinh thiết… Nhờ vậy, chất lượng khám, chữa bệnh tại Trung tâm được nâng lên, rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm chi phí cho người bệnh, mang lại sự hài lòng cho bệnh nhân.
Mới đây, các y, bác sĩ TTYT huyện Sông Lô đã phẫu thuật thành công bằng phương pháp nội soi cho bệnh nhân T.T.S, dân tộc Sán Dìu, bị chửa ngoài tử cung, vỡ, trụy mạch, nguy kịch. Ca phẫu thuật đã đánh dấu bước tiến trong công tác khám, chữa bệnh của đơn vị.
Năm 2023, Trung tâm đã khám, chữa bệnh cho 41.000 lượt người, tăng hơn 3.300 lượt so với cùng kỳ, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh ra viện đạt hơn 96%, tỷ lệ hài lòng của người bệnh đạt gần 98%.
Cùng với hệ thống y tế tuyến huyện, hệ thống trạm y tế của các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng được tỉnh quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân nói chung và người dân vùng DTTS nói riêng.
Tại xã Minh Quang, huyện Tam Đảo có gần 60% đồng bào dân tộc Sán Dìu. Trước đây, một số người dân còn duy trì những hủ tục lạc hậu như: sinh con tại nhà, kết hôn cận huyết, mời thầy cúng về chữa bệnh… Nhưng nay, nhờ được cán bộ Trạm y tế, y tế thôn, bản thường xuyên đến tuyên truyền, tư vấn kiến thức về chăm sóc sức khỏe, thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, những hủ tục này đã được xóa bỏ; 100% trẻ sinh ra tại các cơ sở y tế.
Bác sĩ Lưu Văn Thanh, Trạm Trưởng Trạm Y tế xã Minh Quang cho biết: Từ nhiều năm qua, Trạm đã được Sở Y tế, UBND huyện Tam Đảo quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ. Hiện, Trạm có 9 cán bộ, trong đó có 2 bác sĩ, còn lại là điều dưỡng, nữ hộ sinh… Cùng với các phòng khám, chữa bệnh, Trạm được đầu tư máy siêu âm, máy điện tim, máy đo huyết áp, nồi hấp…
Do vậy, tỷ lệ người dân đến khám, điều trị tại Trạm khá đông. Trung bình mỗi ngày, Trạm tiếp đón, khám, điều trị cho hơn 20 bệnh nhân, có ngày cao điểm lên tới 40 - 50 bệnh nhân. Năm 2023, Trạm Y tế Minh Quang được Sở Y tế chọn thí điểm mô hình “Quản lý bệnh không lây nhiễm tại Trạm Y tế”. Hiện, Trạm đang quản lý hơn 150 bệnh nhân tăng huyết áp và hơn 100 bệnh nhân đái tháo đường.
Hiện, toàn tỉnh có 13 bệnh viện, 1 Chi cục Dân số-KHHGĐ, 4 đơn vị dự phòng và chuyên ngành, 9 trung tâm y tế các huyện, thành phố, 8 phòng khám đa khoa khu vực, 136 trạm y tế các xã, phường, thị trấn và hơn 360 phòng khám, cơ sở y tế ngoài công lập. Với mạng lưới y tế được phân bổ rộng khắp đến 100% các xã, phường, thị trấn đã giúp việc tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS trở nên thuận lợi, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao, hiện đại ngay từ cơ sở.
Với mạng lưới y tế được phân bổ rộng khắp đến 100% các xã, phường, thị trấn đã giúp việc tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS trở nên thuận lợi, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao, hiện đại ngay từ cơ sở.