Từ thực tế khó khăn...
CLB tiếng hát Soọng cô Chợ tình xã Đạo Trù (Tam Đảo), được biết đến với nhiều hoạt động hiệu quả gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu. Nghệ nhân ưu tú Lê Đại Năm, Chủ nhiệm CLB cho biết: Nhiều năm qua, tất cả các thành viên trong CLB đều sẵn sàng bỏ công sức, đóng góp kinh phí nhằm xây dựng các CLB, với nhiều việc làm thiết thực như: mở các lớp truyền dạy tiếng dân tộc cho học sinh; dạy hát soọng cô truyền thống cho thế hệ trẻ; tổ chức các đoàn Nghệ nhân trong CLB đi giao lưu với các CLB khác trong huyện, tỉnh và các tỉnh khác; tham gia giao lưu cộng đồng người Sán Dìu thường niên hằng năm…
Qua những hoạt động đó, giới trẻ, cộng đồng người Sán Dìu dần ý thức hơn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc. Ngày càng nhiều hơn thế hệ trẻ biết nói, hát tiếng dân tộc và hiểu các phong tục truyền thống. Tuy đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng trong quá trình hoạt động, CLB gặp không ít khó khăn, thách thức và chưa thực sự phát huy hiệu quả do thiếu kinh phí để in, ấn tài liệu học tập và mua sắm các thiết bị cần thiết như: âm thanh, loa đài, ánh sáng, phục trang, nhạc cụ, đạo cụ…
Tương tự, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Giang Lâm, CLB dân ca dân vũ dân tộc Cao Lan xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) trăn trở: Các hoạt động của CLB từ lúc thành lập đến nay, đều do các thành viên đóng góp nên dù có cố gắng hoạt động, duy trì nhưng chưa phát huy hết hiệu quả trong việc bảo tồn kho tàng văn hóa phong phú của người Cao Lan.
"Đã nhiều năm nay, CLB mong muốn làm một bộ phim tư liệu “Cổ tích bản tôi”- nói về văn hóa, đời sống người Cao Lan, nhưng cũng chưa làm được vì không có kinh phí", Nghệ nhân Hoàng Giang Lâm bộc bạch
Hai CLB kể trên, chỉ là 2 trong số nhiều CLB dân ca tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc gặp khó khăn về kinh phí trong quá trình hoạt động. Trên thực tế, hầu hết các CLB dân ca tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ nhu cầu tự thân; kinh phí hoạt động dựa vào sự đóng góp của các thành viên trong CLB nên không thường xuyên, và hoạt động trong tình trạng "giật gấu vá vai".
Đến Nghị quyết 12
Nhằm ghi nhận và khuyến khích các CLB, các nghệ nhân tích cực đóng góp công sức để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tháng 12/2020, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết 12 về “Hỗ trợ đối với Nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Câu lạc bộ (CLB) dân ca tiêu biểu tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2025”. Nghị quyết 12, được kỳ vọng là giải pháp thiết thực để phát huy vai trò của các CLB.
Theo đó, Nghị quyết 12 nêu rõ, nội dung hỗ trợ đối với Nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể: hỗ trợ việc thực hành truyền dạy nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đối với các CLB dân ca tiêu biểu: hàng năm hỗ trợ kinh phí cho mua sắm trang thiết bị (âm thanh, loa đài, ánh sáng, phục trang, nhạc cụ, đạo cụ…) và tham gia các hoạt động liên hoan, hội diễn, hội thi, giao lưu.
Đón nhận niềm vui này, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Giang Lâm bộc bạch: “Nghị quyết 12 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy, chính quyền với đời sống văn hóa người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, nếu được tiếp cận nguồn hỗ trợ này, CLB sẽ sử dụng hiệu quả nguồn lực để bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc".
Ông Ngô Văn Kha, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: Nghị quyết 12 có ý nghĩa rất thiết thực nhằm giải quyết những khó khăn, động viên kịp thời các Nghệ nhân dân gian, các CLB dân ca tiêu biểu tiếp tục phát huy vai trò trong việc gìn giữ, truyền dạy và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.