Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng rất cao
Đầu tháng 12, buôn Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) ghi nhận 2 trường hợp nhiễm Covid-19. Ngay lập tức, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của xã, huyện cấp tốc triển khai các biện pháp, tổ chức tiến hành phong tỏa khu vực ghi nhận trường hợp dương tính, đồng thời phối hợp với ngành Y tế tiến hành truy vết các trường hợp F1, F2. Tính đến chiều ngày 5/12, quá trình truy vết đã có 11 trường hợp tại buôn Buôr có kết quả dương tính với Covid-19, với 158 trường hợp F1 và hơn 200 trường hợp F2 có liên quan.
Ông Trần Thế Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng cho biết, toàn xã có 4 buôn đồng bào DTTS, với 870 hộ, gần 3.000 nhân khẩu là người dân tộc Ê Đê. Đến sáng ngày 5/12, tại 4 buôn này đã ghi nhận 19 trường hợp nhiễm Covid. Trong đó, riêng ổ dịch tại buôn Buôr là 16 trường hợp.
“Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, với số lượng F1 tương đối lớn trên địa bàn buôn Buôr, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 huyện Cư Jút ra quyết định phong tỏa khu vực buôn Buôr. Đồng thời, chỉ đạo Trường Mẫu giáo xã Tâm Thắng tạm thời cho học sinh nghỉ học; Trường Tiểu học Hà Huy Tập chuyển dạy học trực tiếp sang trực tuyến”.
Theo báo cáo, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) hiện mức độ dịch Covid-19 đang ở cấp độ 2, nhưng vẫn còn 6 phường, xã cấp độ 3 và tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố vẫn đang diễn biến phức tạp ,với số ca mắc liên tục cao nhất tỉnh trong những ngày qua. Đến sáng ngày 6/12, TP. Buôn Ma Thuột có 2.248 ca nhiễm Covid-19, trong đó 15 ca tử vong. 14 ngày qua, số ca mắc trong cộng đồng chiếm 57,8% tổng số ca mắc mới được phát hiện.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Trưởng phòng Y tế huyện Cư Jút (Đắk Nông) cho biết, tính đến nay, huyện có 179 trường hợp nhiễm Covid-19, với 67 ổ dịch tại 8/8 xã, thị trấn trên địa bàn, trong đó 10 ổ dịch đang hoạt động, trong đó có 8 ổ dịch trong vùng DTTS có nguy cơ lây lan cao. Hầu hết các ổ dịch có yếu tố dịch tễ từ các tỉnh phía Nam về.
Nhằm hạn chế dịch bệnh trong vùng đồng bào DTTS, địa phương tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động để người dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đặc biệt, kêu gọi sự tham gia của Người có uy tín, chức sắc, già làng, trưởng bản trong việc tuyên truyền để người dân đồng thuận và chấp hành nghiêm chỉ đạo của địa phương và các hướng đẫn của ngành Y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.
“Không chỉ sử dụng tiếng phổ thông, các địa phương đã biên soạn lồng ghép công tác tuyên truyền bằng tiếng dân tộc Tày, Nùng, Thái hay Ê Đê phù hợp với từng khu dân cư, để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh. Hiện nay, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng là rất cao, nên việc loại bỏ F0 được chúng tôi xác định đặt lên hàng đầu”, bà Hoa cho biết thêm.
Người dân lơ là chủ quan
Những ngày qua, trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông liên tục ghi nhận nhiều ca dương tính với Covid-19 trong cộng đồng. Tính đến sáng ngày 6/12, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 8.413 ca mắc Covid-19, trong đó, đang điều trị 2.123 ca; khỏi bệnh 6.246 trường hợp; 44 trường hợp tử vong. Còn tại tỉnh Đắk Nông, ghi nhận 3.160 ca mắc Covid-19; trong đó đang điều trị là 1.433 ca; đã khỏi bệnh 1.597 ca và 9 trường hợp tử vong.
Ông Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, chỉ tính riêng 4 ngày nay, TP. Buôn Ma Thuột xuất hiện thêm 6 ổ dịch mới trong vùng đồng bào DTTS và diễn biến phức tạp, tập trung tại xã Cư ÊBur, xã Hòa Thắng, phường Tân Lập.
Đồng bào DTTS có đặc tính gắn kết cộng đồng cao, nên nguy cơ gây ra các ổ dịch cục bộ trong thôn, buôn là rất cao. Trong khi đó, công tác điều tra dịch tễ tại các chùm ca bệnh trong đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn. Đây là nguyên nhân trong nhiều ngày qua, xuất hiện nhiều số ca trong cộng đồng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, có hai nguyên nhân làm cho dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn tỉnh Đắk Lắk và trở thành các ổ dịch chưa được kiểm soát. Đó là: Ý thức của người dân còn lơ là, chủ quan vì nghĩ đã tiêm đủ vắc xin nên không thực hiện đúng thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhiều nơi còn tụ tập ăn uống, sinh hoạt nơi đông người. Hơn nữa, hiện tỉnh Đắk Lắk thực hiện nới lỏng giãn cách, nên người dân từ các tỉnh, thành có dịch trở lại địa phương nhiều, mang theo mầm bệnh từ ngoài vào địa bàn.
Đối với vùng đồng bào DTTS, ông Nay Phi La nhấn mạnh, do tập tục sinh hoạt của đồng bào DTTS còn nặng tính cộng đồng, tại một số buôn vùng DTTS ở trên địa bàn tỉnh còn tụ tập sinh hoạt điểm nhóm; tổ chức các lễ hiếu, hỉ, ma chay nên dịch bệnh chuyển từ địa phương này sang địa phương khác. Nhiều ổ dịch trong vùng DTTS chưa rõ được nguồn lây và khó kiểm soát nên công tác truy vết loại bỏ các F0 gặp rất nhiều khó khăn.