Hối thúc mọi người chặt mía và chất mía lên xe máy cày, ông A Yêu (dân tộc Ba Na) ở thôn Kon Rờ Bàng 1, xã Vinh Quang, TP. Kon Tum giãi bày: Nhà ông có liên kết với Công ty Cổ phần đường Kon Tum trồng hơn 8 sào mía, trước Tết đã thu hoạch 5 sào nhập cho nhà máy. Công ty cũng đã trừ hơn 14 triệu tiền đầu tư cho gia đình ông trồng 8 sào mía. Thế nhưng, còn lại 3 sào mía này thì trước Tết gia đình đã báo với Công ty xin được nhập sớm vì diện tích nằm sát bờ sông không có đường vận chuyển, nhưng vẫn không được. Giờ diện tích xung quanh người khác cũng đã trồng mía, bắp lên cao rồi, những ngày qua ông phải đến từng nhà xin họ cho xe vận chuyển được đi qua, hư hại cây như thế nào thì ông sẽ đền bù. Ông cũng triển khai chặt luôn nếu nhập được thì nhập, ko thì thôi chứ để lâu quá mía khô hết rồi.
"Nhà tôi trồng mía cũng hơn 10 năm nay rồi, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình, thế nhưng với cách làm việc của Công ty như thế này, thì người trồng mía như tôi thiệt hại quá nhiều. Cây khô giảm sản lượng, giảm trữ đường, giảm thu nhập. Cây mía thì ngọt nhưng người trồng mía như tôi thấy “đắng” trong lòng", ông A Yêu buồn bã nói thêm.
TP. Kon Tum là địa phương có diện tích mía lớn nhất tỉnh Kon Tum, với hơn 832 ha mía đủ điều kiện cho thu hoạch. Đến thời điểm hiện nay, mới có 480 ha đã thu hoạch xong, vẫn còn hơn 352 ha người dân vẫn chưa thu hoạch, lý do Công ty Cổ phần đường Kon Tum chưa cho nhập mía về nhà máy. Cây mía đang khô dần trên những cánh đồng, còn người trồng mía thì đang lo lắng ngày đêm như ngồi trên “đống lửa”.
Ông A Phan (dân tộc Ba Na) ở thôn Kon Tum Kơ Nâm, phường Thống Nhất cho biết: Gia đình trồng 3 sào mía, đến giờ này vẫn chưa thu hoạch được vì chưa có xe chở nhập cho Công ty. Cả cánh đồng mía rộng thế này mà Công ty chỉ cho vài xe máy cày chở mía nhập, mỗi xe thì cỡ 10 tấn.
"Không biết khi nào mới đến lượt mía nhà tôi được chặt. Trời nắng nóng, cây mía đang khô dần, khi chặt thì mất 2 ngày, xe chở đến nhà máy chờ khoảng 2 ngày nữa mới được nhập. Như thế này người trồng mía thiệt hại lắm", ông A Phan lo lắng nói.
Cũng theo ông A Phan, thì nguyên nhân vùng nguyên liệu mía ở TP. Kon Tum bị Công ty chậm thu mua, là do Công ty đang thu mua mía ở các vùng nguyên liệu của tỉnh Gia Lai chở lên. Còn dân trồng mía ở TP. Kon Tum thì cứ chờ đợi.
Theo lịch thời vụ, việc thu hoạch mía diễn ra đồng loạt trước Tết Nguyên đán hàng năm, nhất là đối với mía đồi hoàn thành sớm hơn trong dịp Lễ Giáng sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay đã vào cuối tháng 2/2024 mà diện tích mía thu hoạch trên địa bàn TP. Kon Tum mới chỉ đạt 55% (diện tích mía khai thác). Việc thu mua mía chậm không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, trữ lượng đường, mà còn ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất niên vụ tới không theo kế hoạch, điều này làm bà con nông dân vô cùng lo lắng.
Ông A Mao ở thôn Đăk Prông, xã Chư Hreng, TP. Kon Tum lo lắng cho biết: Lịch nhà máy đưa ra là thu mía đồi sớm từ trước Tết, nhưng đến nay diện tích mía đồi của gia đình tôi trồng vẫn chưa được thu mua hết. Nắng nóng thế này cây mía khô, nông dân phải chịu thiệt hại lớn.
Trước những lo lắng của người dân, UBND thành phố Kon Tum đã làm việc trực tiếp với Công ty Cổ phần đường Kon Tum và Công ty cam kết sẽ thu mua hết diện tích mía còn lại của người dân trong tháng 3. Công ty cũng hỗ trợ chi phí chặt mía đối với những diện tích được thu hoạch sau Tết Nguyên đán, với mức hỗ trợ là 20.000 đồng/tấn mía nguyên liệu sạch. UBND thành phố sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát để Công ty thực hiện đúng như cam kết, nhằm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại cho người trồng mía – ông Dương Anh Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Kon Tum cho biết.
Toàn tỉnh Kon Tum hiện có khoảng 1.219 hecta mía, tỉnh có chủ trương phát triển diện tích mía nguyên liệu niên vụ 2023 - 2024 của tỉnh đạt khoảng 2.000 hecta. Tuy nhiên, với việc chậm thu mua mía cho người dân của Công ty Cổ phần đường Kon Tum, thì liệu rằng người dân có tiếp tục tin tưởng và đồng hành cùng Công ty trong việc phát triển vùng nguyên liệu mía?...