Cung lệch cầu
Đặc thù cây mía của Hòa Bình là loại dóng dài, mập, ăn ngọt, nhiều nước phù hợp để ăn trực tiếp. Tuy vậy, hiện nay, nhu cầu của thị trường khu vực đang ngày càng giảm, do người dân có nhiều sự lựa chọn hơn như cam, bưởi và các loại cây có múi khác. Trong khi đó, diện tích và sản lượng mía tím ở Hòa Bình ngày càng tăng, khiến cây mía rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa.
Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình cho biết, thị trường truyền thống của cây mía tím là khu vực phía Bắc. Với thị trường này, người dân trồng trên diện tích 250-2.700ha là phù hợp. Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn tỉnh, diện tích mía tím lên tới 3.200ha. Hơn nữa về quy hoạch, diện tích mía sẽ lên tới 9.500ha vào năm 2020 và 10.000ha vào năm 2030.
Do lượng cung lớn hơn cầu, nên người trồng mía ở Hòa Bình thời gian qua bị ảnh hưởng rất nặng nề. Chị Bùi Thị Hiền ở xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy chia sẻ, năm 2015, khi giá trị cây lúa xuống quá thấp, gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 3.000m2 sang trồng mía. Những năm đầu mía được giá, thường 5-7 nghìn đồng/cây, có năm cao lên tới 10 nghìn đồng/cây. Tuy nhiên, năm 2019, giá mía tụt xuống chỉ còn 2-3 nghìn đồng/cây, khiến kinh tế gia đình lao đao. Hiện, nhà chị đã chặt bỏ 1 nửa diện tích trồng mía để chuyển đổi sang cây trồng khác.
Cần mở rộng thị trường
Trong điều kiện hiện tại, sự đi xuống của cây mía Hòa Bình không phải do chất lượng kém, mà do chính quyền và người dân đã không tính toán được đầu ra phù hợp. Trong nền kinh tế thị trường, quy luật cung cầu được coi là mấu chốt của vấn đề. Trước khi tiến hành sản xuất, người dân cần ước tính được đầu ra của sản phẩm. Do đó, muốn tăng quy mô sản xuất, trước tiên phải tìm được thị trường tiêu thụ.
Với cây mía tím của Hòa Bình, thị trường truyền thống là khu vực miền Bắc. Đây là thị trường có tính ổn định cao, nên người dân chỉ có thể duy trì diện tích cũ; đồng thời cần chú trọng tới việc xúc tiến thương mại tới các thị trường về địa lý khu vực khác.
Trên thực tế, từ năm 2018 đến nay, mía tím Hòa Bình đã bước đầu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, tuy nhiên chưa đáp ứng được như kỳ vọng. Cụ thể, trong năm 2019, Hòa Bình chỉ xuất được 3 tấn mía sang thị trường Nhật Bản. Sau đó, việc xuất khẩu đã bị ngừng lại. Nguyên nhân chính là mía tím của Việt Nam không cạnh tranh được mía từ Trung Quốc có giá thành rẻ hơn rất nhiều.
Ông Lê Hồng Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, mía Hòa Bình có lợi thế hơn so với các loại mía vùng khác là mềm, nhiều nước phù hợp để ăn trực tiếp. Đây là thế mạnh để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, vấn đề cốt lõi là người dân cần chú trọng vào xúc tiến tìm hiểu thị trường.
Theo ông Thái, xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản là một hướng đi chính xác. Điều đáng nói, đây là thị trường khó tính, yêu cầu cao. Thời gian tới, người sản xuất cần tập trung tăng cường chất lượng, nghiên cứu giống, quy trình để tạo ra sản phẩm có chất lượng vượt trội, giá thành hợp lý để cạnh tranh với các nền sản xuất ở các nước khác.
"Mía Hòa Bình có lợi thế hơn so với các loại mía vùng khác là mềm, nhiều nước phù hợp để ăn trực tiếp. Đây là thế mạnh để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, vấn đề cốt lõi là người dân cần chú trọng vào xúc tiến tìm hiểu thị trường.”
Ông Lê Hồng Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam