Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết: Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, được xây dựng và phát triển bởi 54 dân tộc. Mỗi dân tộc có văn hóa truyền thống, ngôn ngữ riêng; có nguồn gốc lịch sử hình thành và phát triển rất lâu đời. Cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, cùng đồng lòng tạo nên lịch sử dụng nước và giữ nước hàng ngàn năm nên các dân tộc Việt Nam có sự gắn kết cộng sinh, cộng mệnh rất chặt chẽ. Chính điều này đã góp phần tạo nên nền văn hoá Việt Nam mang tính thống nhất trong đa dạng. Đó là đặc trưng, đồng thời là quy luật phát triển văn hóa nước nhà, là yếu tố làm nên sức mạnh nội sinh, tổng hợp sức mạnh quốc gia và sức hấp dẫn, thuyết của nền văn hóa Việt Nam, góp phần định vị bản sắc dân tộc trên trường quốc tế. Trải qua các giai đoạn lịch sử phát triển, các dân tộc Việt Nam đã sáng tạo nên một kho tàng di sản văn hoá hết sức đồ sộ, phong phú và độc đáo.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã hết sức quan tâm đầu tư cho văn hóa; Đến nay đã xây dựng đồng bộ mạng lưới cơ sở văn hóa, nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương, từ cấp tỉnh, thành phố đến cấp xã, thôn bản với hàng chục nghìn thiết chế văn hóa phân bố ở các vùng, miền trong cả nước. Mạng lưới cơ sở văn hóa như các cơ sở nghiên cứu, đào tạo nhân lực, nhà sáng tác, bảo tàng, thư viện, nhà trưng bày triển lãm văn học nghệ thuật, rạp hát nghệ thuật biểu diễn, trung tâm chiếu phim, trung tâm hoạt động văn hóa thanh thiếu nhi, các tượng đài, khu vui chơi giải trí… phân bố khắp các tỉnh thành trong cả nước đang trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước.
Văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển. Văn hóa các dân tộc Việt Nam đóng góp to lớn cho sự phát triển bền vững đất nước; là 1 trong 4 trụ cột quan trọng của phát triển (cùng trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường).
Thực tiễn cho thấy, văn hóa là yếu tố quyết định đến sự phát triển con người toàn diện, làm nên tinh thần xã hội tiến bộ, lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, chống lại sự đồng hoá văn hóa. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu nhấn mạnh về vai trò của văn hóa đối với vận mệnh dân tộc: Văn hóa còn thì dân tộc còn, để mất văn hóa thì dân tộc sẽ mất.
“Diễn đàn hôm nay chính là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và đồng bào các dân tộc đến từ các địa phương trên lãnh thổ Việt Nam gặp nhau, trao đổi, trình bày các quan điểm, sáng kiến nhằm làm rõ vấn đề xây dựng, huy động và phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm phát triển đất nước hướng tới mục tiêu phồn vinh, nhân dân hạnh phúc”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn đã có nhiều tham luận xoay quanh việc bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc.
Bàn về các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các DTTS ở việt nam Gs.Ts. Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: Kho tàng di sản văn hóa truyền thống bao gốm các tri thức bản địa trong văn hóa dân gian, các lễ hội gắn với phong tục, tập quán các làng quê, gắn với đời sống tinh thần và hoạt động canh tác của từng dân tộc, hệ thống các bài ca dao dân ca cùng các hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật khác, nếu không có kế hoạch khẩn trương khảo sát, nuôi dưỡng thì tất yếu sẽ bị rơi rụng, lãng quên và có nguy cơ biến mất.
Thực tiễn cho thấy, do điều kiện kinh tế và hoàn cảnh lịch sử của từng vùng, hệ thống văn hóa vật thể vốn được người dân các dân tộc sáng tạo ra cực kỳ phong phú, đa dạng và có nhiều giá trị như đình, chùa, miếu, các nơi thờ tự thành hoàng, danh nhân... Hiện nay, ở nhiều nơi có một số lượng không nhỏ đã gần như bị xóa sổ hoặc có nguy cơ biến mất và những di sản văn hóa vật thể mang đậm dấu ấn văn hóa tộc người, nếu còn thì phần lớn đều đang xuống cấp nghiêm trọng, thiếu sự quan tâm, đầu tư kinh phí khôi phục, bảo tồn và khai thác phục vụ đời sống văn hóa cộng đồng.
Theo ông Bùi Quang Thanh để bảo tồn bản sắc văn hóa, cần coi trọng tính thiêng trong để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Với cộng đồng các dân tộc, để có không gian thiêng, không đơn thuần chỉ chú ý đến sự cung cấp vật liệu, cung cấp kinh phí và thợ lành nghề đến xây dựng, mà là những vật liệu đó phải được chính người dân thực hiện các nghi lễ chọn lựa vật liệu, chính bàn tay họ đục đẽo, xây cất, phải được dựng theo nghi thức - lề lối phong tục tập quán bản địa… Có như vậy, sản phẩm văn hóa đó mới nhận được sự đồng thuận của cộng đồng, được cộng đồng hưởng ứng, tham gia vào mọi sinh họat thường nhật.
Trong khuôn khổ Diễn đàn các đã diễn ra phiên thảo luận trao đổi các giải pháp phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng và sử dụng nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam trong phát triển đất nước.