Hoạt động tháng 4 với sự tham gia của khoảng 100 đồng bào của 16 dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu; Xơ Đăng, Ba Ba, Gia Rai, Raglay, Chăm, Ê Đê, Khmer và các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đem đến không gian văn hóa những tiết mục nghệ thuật đặc sắc.
Hoạt động điểm nhấn “Ngày hội Non sông thống nhất” sẽ tái hiện chợ phiên vùng cao với chủ đề “Sắc màu Lào Cai” tạo không khí đậm nét chợ vùng cao ấn tượng cho du khách đi chợ và thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian tại chợ vùng cao do chính những cộng đồng dân tộc thực hiện, giới thiệu phục vụ du khách. Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường, Khơ Mú, Tày...
Chương trình “Sắc màu chợ phiên” của cộng đồng các dân tộc tại chợ vùng cao phía Bắc sẽ giới thiệu các tiết mục dân ca, dân vũ ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền và các trò chơi dân gian do đồng bào các dân tộc giao lưu với du khách như: Đánh quay (tu lu), leo cột, đánh pao, đánh yến, đu dây...
Ngoài ra sẽ có các hoạt động đặc sắc như:
- Giới thiệu nghệ thuật khèn Mông của đồng bào dân tộc Mông huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018);
- Tái hiện Lễ hội chơi núi (Say Sán) dân tộc Mông, tỉnh Lào Cai với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi người, mọi gia đình đều khỏe mạnh và mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với bản làng mình.
- Tái hiện Tết mừng chiến thắng của đồng bào dân tộc Nùng. Tết là dịp bà con dâng cúng thần linh thổ địa các món ăn từ chuối: Quả chuối, hoa chuối, lõi chuối, xôi 7 màu với biểu tượng cây chuối và một đôi đũa màu đỏ, hát dân ca kể về sự tích chống giặc. Trong lễ ăn mừng chiến thắng, người Nùng đã làm xôi 7 màu. Từ đó, họ chọn ngày 1/7 âm lịch làm ngày Tết cổ truyền của người Nùng.
- Tái hiện Lễ Hạn khuống của đồng bào dân tộc Thái, tỉnh Sơn La. Hạn khuống là lễ hội truyền thống đặc trưng của đồng bào Thái, lễ này đã có từ rất lâu đời và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hạn khuống được coi là linh hồn của bản mường, tượng trưng cho sự phồn vinh, no ấm. Lễ Hạn khuống được tổ chức hằng năm và lưu truyền từ đời này qua đời khác.
- Chương trình biểu diễn dân ca dân vũ “Lên Mộc Châu quê em” của đồng bào dân tộc Mông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La sẽ trình diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông và kết hợp giới thiệu, trình diễn khèn Mông, dân ca, các bài hát ca khúc giới thiệu về Mộc Châu qua sắc màu văn hóa của dân tộc Mông huyện Mộc Châu.
Bên cạnh đó là các hoạt động văn hóa giới thiệu không gian văn hóa du lịch địa phương. Để quảng bá văn hóa dân tộc nhằm phát triên du lịch, tỉnh Thái Nguyên sẽ giới thiệu nghi thức cúng then của đồng bào dân tộc Tày cùng với các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào Tày như đàn Tính, hát Then, hát giao duyên, hát sli, hát lượn… Trưng bày giới thiệu ẩm thực truyền thống sản vật địa phương như xôi ngũ sắc, cơm lam, bánh gio, bánh chuối…
Tỉnh Đắk Nông cũng sẽ giới thiệu các nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mnông: Tái hiện Lễ cưới của dân tộc Mnông; Giới thiệu các món ăn truyền thống của đồng bào Mnông; Trình diễn giao lưu dân ca, dân vũ; Ggiới thiệu nghề thủ công truyền thống;...
Vào dịp cuối tuần, đồng bào dân tộc Cơ Tu đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tái hiện nghi thức dựng cây nêu và các Chương trình giao lưu “Tình ca Tây Nguyên” tại Làng với không gian chế tác nhạc cụ, đan lát, trình diễn các loại hình diễn xướng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Bên cạnh đó là các hoạt động hằng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch Homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.