Tới dự và chung vui cùng đồng bào có Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực; Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Quang Trường; Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương; đồng bào đến với Làng tham dự Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam 2022.
Phát biểu tại Chương trình, ông Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Tư tưởng đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Đảng luôn xác định, “đoàn kết” là giá trị cốt lõi, “Đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, với ý nghĩa di sản văn hóa Đại đoàn kết toàn dân tộc là bảo bối, là báu vật quốc gia.
Chia sẻ tại Ngày hội, Nghệ nhân ưu tú Y Sinh, dân tộc Xơ Đăng (tỉnh Kon Tum), Trưởng Ban Đoàn kết cộng đồng các nhóm đồng bào đang hoạt động tại Làng cho biết, lịch sử dựng nước và giữ nước ngàn năm qua của người Việt ta luôn gắn liền với tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, là sự gắn kết giữa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Lai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ có nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.
“Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao luôn được duy trì hằng ngày và tổ chức sôi nổi tại Nhà văn hóa cộng đồng. Nhiều cá nhân đồng bào và tập thể các làng đã đạt được nhiều giải thưởng đáng khích lệ. Đặc biệt, “Ngôi nhà chung” còn là môi trường thuận lợi để các nhóm đồng bào chúng tôi tổ chức các hoạt động văn hóa, dân ca, dân vũ, trò chơi truyền thống trong các dịp hoạt động cuối tuần, chuyên đề, các ngày lễ lớn của đất nước”, Nghệ sĩ ưu tú Y Sinh chia sẻ.
Hòa chung không khí vui tươi của Ngày hội Đại đoàn kết, bà Bùi Thị Thảo (dân tộc Mường), tình Hòa Bình bày tỏ: Những người con của dân tộc Mường rất hân hoan khi được về sinh sống, hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Về “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em, chúng tôi được nhận nhà, nói tiếng nói của dân tộc mình, cùng bà con quảng bá những giá trị đặc sắc trong văn hóa của người Mường đến đông đảo người dân, du khách”.
Cũng theo bà Thảo, những giá trị văn hóa của người Mường được không ngừng bồi đắp từ thế hệ này qua thế hệ khác. Với những nỗ lực ấy, tháng 7 vừa qua, Bộ VHTT&DL đã quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức dân gian Tri thức đoi (Lịch tre) và Lễ hội truyền thống Lễ hội Khai hạ của người Mường tại Hòa Bình.
Tại chương trình, Lãnh đạo Bộ VHTT&DL đã tặng quà cho đại diện cho 15 cộng đồng dân tộc hoạt động hàng ngày tại "Làng" và đại diện nhóm đồng bào dân tộc tham gia sự kiện gồm: Dân tộc Dao (TP. Hà Nội), dân tộc Mường (Hòa Bình), dân tộc Tày, Nùng (Thái Nguyên), dân tộc Thái (Sơn La), dân tộc Khơ Mú (Nghệ An), dân tộc Mông (Hà Giang), dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), dân tộc RagLay (Ninh Thuận), dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum), dân tộc Ba Na, Gia Rai (Gia Lai), dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk), dân tộc Khmer (Sóc Trăng), dân tộc Chăm Islam (An Giang), dân tộc Kinh (Phú Yên).
Một số hình ảnh tại Ngày hội Đại đoàn kết