Dai dẳng xói lở
Xói lở sông Vu Gia - Thu Bồn diễn ra từ bao đời nay, tuy nhiên tình trạng này dần trở thành hiểm họa với đời sống kinh tế - xã hội và dân sinh trong chục năm gần đây, khi diễn biến với cường độ mạnh, dị thường.
Hơn 10 năm nay, người dân thôn Lạc Thành Đông, xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) và một số thôn lân cận dường như đã “sống chung” với sạt lở sông Bình Phước (một nhánh thuộc hệ thống sông Vu Gia). Sạt lở làm nhiều hộ dân không còn đất nông nghiệp để sản xuất, đường dây diện 500kV quốc gia đi ngang qua, cùng hàng nghìn ngôi mộ cũng bị đe dọa.
Ngược lên phía trung lưu sông Vu Gia, dù đã có kè xây dựng từ lâu, nhưng người dân thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong (huyện Đại Lộc) cũng không tránh khỏi nỗi lo xói lở.
Ông Doãn Đức Hạnh, người dân địa phương cho biết: “Trước đây, nhà tôi từng mất 4 sào đất nông nghiệp trôi theo con nước. Bây giờ làng mới dù ở cách sông cả trăm mét, nhưng cũng không có gì là chắc chắn, khi nỗi lo sạt lở luôn thường trực”.
Ông Trần Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Đại Phong cho hay, khoảng 500m bờ sông Vu Gia đoạn qua địa bàn xã bị ảnh hưởng bởi xói lở hàng năm, nhưng chưa được kè. Đoạn kè rồi thì nhiều chỗ xuống cấp và vẫn bị sạt lở ảnh hưởng rất nhiều. Tính sơ trong 20 năm qua, Đại Phong đã mất khoảng 10ha đất sản xuất vì sạt lở.
Phía sông Thu Bồn, người dân ở suốt một dải từ Quế Trung (Nông Sơn), Duy Thu (Duy Xuyên), Điện Phước (Điện Bàn) đến nhiều cồn bãi gần Hội An… cũng chung ám ảnh với hiểm họa sạt lở mỗi khi mưa đến, lũ về.
Chỉ riêng Điện Bàn, theo thống kê hiện có 24km bờ sông bị sạt lở nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng đến 1.592 hộ dân và gần 1.000ha đất lúa, hoa màu.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đoạn qua 4 địa phương vùng hạ du gồm: Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên và Đại Lộc đã có khoảng 85 điểm xói lở, trong đó có 36 điểm sạt lở nguy hiểm. Trên thực tế, số khu vực sạt lở lẻ tẻ khác còn cao hơn rất nhiều, bởi diễn biến xói lở luôn biến động theo từng đợt mưa, lũ.
Nhiều nguyên nhân, hình thái xói lở
Cứ đến mùa mưa lũ, hiện tượng sạt lở bờ sông Vu Gia - Thu Bồn thường xuyên xảy ra. Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng khu dân cư, phát triển giao thông kể cả một số công trình liên quan đến vấn đề chống ngập lụt cũng làm tác động đến lòng dẫn của hai con sông này.
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu đến từ Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, về cơ bản trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có 6 kiểu xói lở, gồm: Sạt lở bờ sông lõm, xói lở bờ trên thềm đá gốc, sạt lở do hai dòng chảy chèn ép nhau, sạt lở do nước lũ tràn bờ chạy qua sông khác, sạt lở bờ sau các công trình bảo vệ bờ (kè, mỏ hàn…) và sạt lở bờ do sông đổi dòng.
Nhà nghiên cứu Vũ Hải Đăng - Viện Địa chất và địa vật lý biển cho rằng, phần lớn hệ thống sông ở hạ lưu Vu Gia - Thu Bồn phát triển và hoạt động chủ yếu trên bề mặt địa hình có nguồn gốc aluvi hoặc sông - biển. Do đó, mọi tác động của việc khai thác phục vụ kinh tế dân sinh như xây dựng hệ thống thủy lợi, thủy điện, đắp đê, khai thác cát, nuôi trồng thủy sản… đều làm thay đổi hình thái lòng dẫn, chế độ thủy văn dẫn đến xói lở sông.
Trên toàn lưu vực hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, con số sơ bộ cho thấy xói lở thường xuyên ảnh hưởng đến đời sống của hơn 19.500 hộ dân dọc bờ sông và khoảng 10.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có hơn 1.200 hộ dân với khoảng 4.600 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ cao do xói lở bờ sông.
Qua phân tích của các chuyên gia, đoạn trung lưu sông Vu Gia (từ hợp lưu sông Bung đến xã Đại Đồng, Đại Lộc), do nếp uốn địa hình lòng sông có một số đoạn uốn khúc mạnh và có xu hướng dịch chuyển về phía bên phải. Vì vậy, hầu hết điểm xói lở tập trung ở bờ phải.
Đoạn sông từ đầu đồng bằng ngập nước (xã Đại Đồng đến cầu Ái Nghĩa) biến động mạnh với tình trạng xói lở nghiêm trọng cũng ở bờ phải do chịu tác động của quá trình chuyển tiếp. Còn đoạn từ cầu Ái Nghĩa đến đập An Trạch xói lở xuất hiện ở các khúc sông cong.
Với sông Thu Bồn, đoạn từ trạm thủy văn Nông Sơn đến cầu Giao Thủy, hai bên bờ đất đá có kết cấu rắn chắc nên xói lở ít xuất hiện. Xói lở chỉ xảy ra ở các khu vực thấp ven sông, tuy nhiên các bãi bồi nổi trong lòng sông thì bị xói mạnh. Đoạn từ cầu Kỳ Lam đến cầu Câu Lâu có sự vận động mạnh mẽ, uốn khúc của sông nên có rất nhiều điểm xói lở nguy hiểm ở cả 2 bên bờ.
Đoạn từ cầu Câu Lâu đến cầu Cẩm Kim, xu hướng lòng sông mở rộng ra phía cửa biển, dẫn đến liên tục tạo ra - mất đi các bãi giữa, xói lở mạnh bờ sông và thường xuất hiện ở những khúc cong.
Các bãi giữa lớn có xu hướng “trôi” về phía biển và hiện tượng trôi của các bãi này gây nên xói lở ở phần thượng lưu của nó. Ở đoạn cuối trước khi đổ ra biển, các bãi bồi giữa sông cũng có xu hướng “trôi” về phía biển.
Theo TS. Vũ Thị Thu Lan - Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phòng chống xói lở bờ sông Vu Gia - Thu Bồn”, về nguyên nhân con người thì phải nhắc đến tác động của hệ thống thủy điện và khai thác cát sỏi.
“Nếu tính theo công suất lắp máy của thủy điện trên đầu người thì Quảng Nam là tỉnh đứng đầu nước ta với 0,43MW. Tất nhiên là xói lở còn hiện diện ở nhiều nơi, nhưng phải nói rằng gần như tất cả khu vực đối diện với các mỏ khai thác cát đều có hiện tượng xói lở”, TS. Vũ Thị Thu Lan cho hay.