Đường từ nhà xuống chợ, họ phải mất nửa ngày đường. Bán được con gà, thì họ ăn bát phở uống chén rượu là hết tiền. Từ thực tế này, không ít người cho rằng, bà con đã phí phạm, không tiết kiệm, không biết tính toán làm ăn.
Thế nhưng nếu xét ở khía cạnh văn hóa, tập quán và lối sống. Nhiều người Mông ở đỉnh núi cao vốn quanh năm sống tự cung, tự cấp, thì việc họ bán vài con gà, một con lợn thả rông hay vài mớ rau hẳn không phải để làm giầu. Nửa ngày đường bước chân ra khỏi đỉnh núi mờ sương chỉ như một cuộc dạo chơi. Họ đến chợ để được gặp gỡ, giao lưu. Nếu xét ở khía cạnh đó, thì việc ăn bát phở, uống chén rượu như vậy đã xứng tầm.
Nói như vậy, để thấy rằng khi tiếp xúc, trao đổi hay nghiên cứu các vấn đề về đồng bào DTTS, chúng ta không thể áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình. Muốn “giúp họ” trước tiên phải đặt suy nghĩ của mình đồng cảm với đồng bào. Ví dụ chuyện bán gà người Mông, nếu như nghĩ đơn thuần bà con buôn bán để trang trải kinh tế, nhiều người có cái nhìn “thiếu thiện cảm”. Thế nhưng, sống với người dân, hiểu được họ thì chúng ta sẽ có cách hỗ trợ đúng hướng.
Qua đó, thay vì giải quyết phần ngọn, như tuyên truyền vận động người dân bán được con gà thì phải tiết kiệm để lấy tiền phòng thân. Chúng ta cần các biện pháp để giải quyết tận gốc vấn đề. Muốn thay đổi chuyện nhỏ như việc bán gà, thì hãy tiếp tục giúp đỡ đồng bào cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông; thay đổi căn bản bằng hỗ trợ sản xuất như giống, khoa học kỹ thuật để giúp họ chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Lúc đó người dân sẽ tự thay đổi thói quen, lối sống, bà con không chỉ bán một con gà theo đơn thuần là mang đi “chơi” chợ như hiện nay, mà bà con sẽ có cả đàn gà để bán; và giao thông thuận lợi bà con sẽ không phải đi cả ngày đường mới tới chợ.
THIÊN ĐỨC