Sự việc trên không những làm ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như tinh thần của gia đình bà Huệ và nhiều cán bộ đang làm việc tại Trung tâm, mà còn khiến bộ môn cử tạ của Trung tâm sẽ phải dừng hoạt động do không có HLV.
Hơn 1 năm vẫn không được nhận lương
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, bà Trương Thị Huệ được Trung tâm thể dục Thể thao TTTDTT tỉnh Thái Nguyên ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với nhiệm vụ làm HLV môn cử tạ từ năm 2015. Theo hợp đồng lao động đã ký, bà Huệ được hưởng lương, tiền đứng lớp huấn luyện bằng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đến năm 2018, bà Huệ cùng 6 HLV khác chỉ nhận được tiền lương của 5 tháng đầu năm 2018, những tháng còn lại của năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 không được Trung tâm chi trả.
Mặc dù bà Huệ và 6 hợp đồng lao động khác đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị, thắc mắc đến cấp lãnh đạo Trung tâm, nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.
Không có tiền lương, không có bất kỳ phụ cấp hay hỗ trợ gì trong khi bà Huệ và đồng nghiệp vẫn phải thực hiện nhiệm vụ do lãnh đạo Trung tâm giao, nên hơn một năm qua, cuộc sống của bà Huệ hết sức khó khăn. Bên cạnh việc duy trì công việc tại trung tâm, những HLV này đã phải ra ngoài làm thêm, kiếm từng đồng để duy trì cuộc sống.
“Ngoài giờ làm việc theo quy định, tôi phải tranh thủ thức khuya, dậy sớm, bán thêm đồ ăn sáng, nước uống cho học sinh để kiếm thêm tiền trang trải sinh hoạt gia đình cũng như lo cho con cái học hành. Vất vả là vậy, nhưng mỗi tháng cũng chỉ kiếm được 2-3 triệu đồng”, bà Huệ chia sẻ.
Trước những phản ánh này của bà Huệ, chúng tôi tìm đến ông Đoàn Văn Công, Giám đốc TTTDTT tỉnh Thái Nguyên để tìm câu trả lời. Qua trao đổi được biết năm 2018, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, Trung tâm có 7 trường hợp hợp đồng nằm trong danh sách 94 trường hợp phải cắt giảm biên chế của tỉnh. Với chủ trương này, ngay từ đầu năm 2018, UBND tỉnh Thái Nguyên đã cắt nguồn chi trả tiền lương cho những hợp đồng này. Vì vậy, bà Huệ và 6 HLV khác của Trung tâm không được chi trả lương và các chế độ chính sách khác. UBND tỉnh chỉ đồng ý cấp tiền lương trong thời gian để người lao động tìm công việc mới đến hết tháng 5/2018.
Chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả
Với mong muốn tìm cách giải quyết, tháo gỡ cho người lao động tại cơ sở, lãnh đạo các Sở VHTTDL, Sở Lao động, Thương binh và Xã Hội, Sở Nội vụ, Sở Tài chính... cũng đã cùng nhau họp bàn và đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ từ đầu năm 2018. Theo đó, nhiều phương án được đưa ra, trong đó có phương án được nhiều thành viên ủng hộ là “thuê khoán chuyên môn” cho những lao động nói trên.
Tuy nhiên, do đặc thù ngành Thể thao phải huấn luyện liên tục, nên rất khó để vận dụng vào dạng hợp đồng “thuê khoán”. Vì vậy, giải pháp này vẫn không thể thực hiện, dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục chờ giải quyết trong thời gian dài. Đến tháng 5/2019, Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên đã buộc phải ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp lao động hợp đồng của TTTDTT.
Thực tế cho thấy, việc dừng sử dụng hợp đồng lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chủ trương chung là việc làm cần thiết nhằm sắp xếp lại tổ chức, loại bỏ những hợp đồng chưa đáp ứng được chuyên môn, nghiệp vụ, hạn chế về năng lực... Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là việc cắt giảm hợp đồng lao động của TTTDTT chưa phù hợp với thực tế, còn máy móc. Bởi, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, bộ môn thể thao cử tạ sẽ tạm dừng hoạt động do không có HLV đứng lớp, thậm chí phải bố trí người không có chuyên môn để duy trì hoạt động của bộ môn thể thao cử tạ.
“Sau khi bà Trương Thị Huệ không còn đảm nhiệm vị trí HLV bộ môn cử tạ từ tháng 3/2019, chúng tôi đã phải bố trí bà Dương Thị Huyền HLV bộ môn Đua thuyền quản lý VĐV môn Cử tạ. Đây là giải pháp tạm thời trong thời gian chờ bố trí lại nhân sự”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Tổ chức, Hành chính TTTDTT tỉnh Thái Nguyên lý giải.
Không có HLV, các vận động viên môn Cử tạ của Trung tâm đang rơi vào tình trạng “quân không tướng”, bỏ không được, giữ không xong. Em Nguyễn Thị Yên, VĐV Cử tạ đã có thâm niên 9 năm gắn bó với nghề và đã từng đạt nhiều thành tích trong các giải thi đấu quốc gia không khỏi băn khoăn, lo lắng cho tương lai của mình. VĐV Nguyễn Thị Yên chia sẻ: “Việc nghỉ tập trong thời gian dài, không được rèn luyện chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến phong độ, thể lực của VĐV. Không biết trong thời gian tới, bộ môn Cử tạ có được tiếp tục nữa hay không, điều này cũng khiến em và nhiều VĐV bộ môn cử tạ hoang mang, lo lắng...”.
Rõ ràng, với cách tinh giảm biên chế, bố trí, sử dụng lao động máy móc như hiện nay, chắc chắn trong kỳ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IX diễn ra vào năm 2022, không riêng gì bộ môn cử tạ, ngành Thể thao tỉnh Thái Nguyên sẽ khó đạt được thành tích như mong muốn.
NGHĨA HIỆP