Ngay lập tức, điều khoản này nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến tỏ ra lo ngại hơn đồng tình. Điều mà dư luận lo ngại là hoàn toàn có cơ sở, bởi với ngưỡng 3 tháng tuổi, trẻ còn quá non nớt và nguy cơ xảy ra những tai nạn đáng tiếc trong quá trình đi lớp là điều rất dễ xảy ra.
Ở độ tuổi 3 tháng tuổi này, trẻ cần chăm sóc hơn là giáo dục, nhưng thực tế là giáo viên hiện nay không được trang bị trình độ về y tế để nhận thấy và tránh các nguy cơ thiếu an toàn với trẻ. Do đó, với việc các cơ sở mầm non, nhà trẻ và mẫu giáo phải nhận trông trẻ từ 3 tháng tuổi, áp lực sẽ đè nặng lên các giáo viên mầm non. Điều này chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ bạo hành trẻ em rất dễ xảy ra.
Nguy cơ này càng trở nên hiện hữu hơn khi thời gian qua, tình trạng bạo hành trẻ ở nhiều trường mầm non tư thục liên tục xảy ra trên khắp cả nước. Trong khi đó, về cơ bản ngành giáo dục và chính quyền nhiều địa phương vẫn chưa có được một chế tài nhằm kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả vấn nạn này.
Đó là chưa kể, tại điều 157 Bộ luật lao động thì lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con tổng cộng là 6 tháng (nghỉ trước khi sinh không quá 2 tháng). Quy định này không chỉ đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ mà còn nhằm đảm bảo tốt nhất cho sự phát triển của đứa trẻ khi mới sinh ra.
Vì thế, nếu ngành giáo dục quy định việc gửi con từ 3 tháng tuổi- độ tuổi mà trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn thì không chỉ vô tình tạo sự “tréo ngoe” với luật Lao động mà còn gián tiếp làm ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ sau này.
Có thể hiểu, khi đưa ra dự thảo quy định trên, có lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn hướng tới đối tượng phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hay những đối tượng phụ nữ lao động tự do vì thực tế họ không được hưởng chế độ đãi ngộ nào nên buộc phải gửi con đi làm từ sớm. Tuy nhiên, nếu xét đến tất cả các yếu tố, thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định để tránh xảy ra những hệ lụy đáng tiếc sau này.
MẠNH HÀ