Kỳ đài và cây cầu Hiền Lương lịch sử. Ảnh minh họaPhải thú thực rằng, đến Quảng Trị đúng dịp tháng Bảy, thì trong tâm khảm sẽ rung lên những nhịp đập thổn thức. Những dòng người bồi hồi bên ven bờ Hiền Lương, suy tư dưới chân Thành cổ, thả bước trước những Nghĩa trang liệt sĩ… mà sụt sùi trong man mác của khói hương tưởng vọng.
Không rưng rưng sao được khi một tỉnh Quảng Trị được ví như bảo tàng chiến tranh, trước khi sáp nhập thêm Quảng Bình mà đã có hơn 500 di tích lịch sử, gần 130 công trình ghi công liệt sĩ. Thế nên, nhìn đâu trên khúc ruột miền Trung này cũng nhuộm thấm máu và nước mắt, mà thổn thức đến nghẹn ngào. Những năm binh lửa đi qua, để lại một nỗi đau dai dẳng thời hậu chiến với hàng ngàn bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng chục ngàn thương, bệnh binh và người có công với cách mạng… Quảng Trị bi tráng ngay từ trong những con số khô khốc đến nhói lòng.
Quảng Trị không có những cánh đồng phì nhiêu cò bay thẳng cánh, không có cái ồn ã sôi động của một thành phố đương trở mình phát triển… Và cái nắng cũng rất đỗi gay gắt, nhọc nhằn như chính những phận người mưa nắng tảo tần. Còn gió, thì bao đời vẫn quăng quật trên những cánh đồng dầu dãi mưu sinh.
Quảng Trị chỉ có những nghĩa trang, những di tích lịch sử… trầm mặc với thời gian như những nhân chứng sống một thời lửa đạn. Quảng Trị chỉ là một địa danh in hằn trong tâm tưởng của một thế hệ cầm súng với khát vọng trường tồn của dân tộc. Chỉ thế thôi mà rất đỗi níu người.
Trong những con người chọn điểm hẹn là Quảng Trị mỗi dịp tháng Bảy, tôi đã thấy những bước chân tập tễnh của những Cựu chiến binh về lại chiến trường xưa, nặng trĩu một nỗi niềm dai dẳng. Tôi cũng thấy bước chân run run của những bà mẹ bạc trắng mái đầu cố tìm kiếm nấm mồ của chồng, con giữa ngàn vạn tấm bia trắng xóa. Và cả những bước chân trầm mặc, suy tư của những đoàn khách ngoại quốc mà biết đâu hơn nửa thế kỷ trước họ đã từng tham chiến…
Trong mạch xúc cảm rưng rưng về mảnh đất thiêng liêng này, tôi cứ nhớ mãi cái dáng thẫn thờ, bùi ngùi của bà Nguyễn Thị Dung. Bà Dung quê gốc Nghệ An, nhưng theo chồng con ra Hà Nội sống đã mấy chục năm. Dẫu vậy, Quảng Trị vẫn luôn là mảnh đất gợi nhớ bao tình cảm rất đỗi đặc biệt của bà và những chị em, con cháu trong đại gia đình ấy, tưởng nhớ đến anh trai liệt sĩ Nguyễn Tâm Lam. Mỗi dịp tháng Bảy về, bà lại cùng cháu con vượt mấy trăm cây số từ Hà Nội vào Quảng Trị, chỉ để thắp cho anh trai mình nén hương tưởng nhớ.
Cựu chiến binh Mỹ và đại biểu chụp ảnh lưu niệm với học sinh huyện miền núi Hướng Hóa (tên địa danh cũ trước sáp nhập), tỉnh Quảng Trị trong buổi Lễ trao xe đạp. Ảnh minh họaTrong tâm khảm của người dân Quảng Trị, có những khoảnh khắc không thể nào quên. Đó là câu chuyện của một thế hệ người Mỹ từng sống với chiến tranh Việt Nam và mang nặng nhiều ký ức không thể nguôi ngoai. Họ đã đến Việt Nam, chọn điểm hẹn Quảng Trị để khép lại quá khứ đau thương và hướng đến tương lai hòa bình hữu nghị. Cựu binh Rich Allen – một thành viên của tổ chức Vì hòa bình Phân hiệu 160 đã bắc nhịp cầu hữu nghị với Việt Nam, với Quảng Trị bằng những nỗ lực hàn gắn không mệt mỏi. Từ nguồn quỹ kêu gọi và quyên góp, dịp tháng Bảy năm 2024, ông và nhiều người Mỹ đã trở lại Việt Nam tặng xe đạp, trang thiết bị dạy học cho trẻ em nghèo nơi đây.
Rồi chàng ca sĩ người Mỹ có tên là Kyo York, cũng đã chọn điểm đến là Quảng Trị, hòa mình vào “Khúc ca Hòa bình” trong khuôn khổ Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 tổ chức tại Công viên Fidel. Sự xuất hiện của anh là minh chứng rõ ràng, cụ thể nhất cho tình yêu hòa bình, tinh thần thân ái và tình hữu nghị cao đẹp đang ngày ngày thắp lên ở mảnh đất từng hứng chịu quá nhiều đau thương của chiến tranh.
Vì thế, điểm hẹn Quảng Trị có đủ cung bậc xúc cảm của mọi lứa tuổi, có đủ hình hài của những phận người đang đồng điệu một nỗi niềm riêng chung về sự tri ân và tưởng nhớ.
Viết đến đây, chắc ai đó sẽ nhận ra rằng, Quảng Trị tự bao giờ đã trở thành mảnh đất thiêng mà bất cứ vùng đất nào trên khắp nước Việt này cũng như thấy có phần đóng góp của mình trong đó. Những binh đoàn giải phóng quân năm xưa, đến Quảng Trị từ mọi miền quê, để góp lý tưởng, máu xương mà dệt nên khúc tráng ca bất tử. Những Nhà bia tưởng niệm, những Nghĩa trang liệt sĩ, những Thành cổ, cây cầu… hay mỗi tấc đất vùng giới tuyến đã là một phần không thể thiếu góp nhặt thành khúc khải hoàn ngày thống nhất non sông.
Bởi vậy, từ rất lâu rồi, tháng Bảy và Quảng Trị vẫn là mốc thời gian và địa danh mà nhiều người chọn làm điểm khởi đầu cho cuộc hành trình về nguồn, thành điểm hẹn trong tâm tưởng của lớp lớp hậu thế. Đến với Quảng Trị còn là dịp để mỗi chúng ta thấy trong trái tim mình một sự hòa nhịp về nguồn cội một nguồn cội của lý tưởng sống cao đẹp “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Hơn bất cứ mảnh đất nào, Quảng Trị đang gắn kết mọi miền, gắn kết mọi người… bằng một miền tri ân, tưởng nhớ sâu sắc. Và Quảng Trị cũng đang thắp lên trong tâm tư mỗi người những rưng rưng thương nhớ, tự hào…