Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó Trưởng ban điều hành Chương trình chống lao Quốc gia, việc triển khai cấp thuốc lao từ nguồn ngân sách nhà nước sang nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế là dấu mốc quan trọng nhằm đảm bảo tài chính cho chương trình điều trị lao tại Việt Nam. Bảo hiểm y tế sẽ là nguồn kinh phí bền vững trong nước để chi trả cho việc mua sắm thuốc chống lao hàng 1, trong tương lai là hàng 2, nhằm mục đích cao nhất là bảo đảm duy trì quyền lợi tiếp cận thuốc cho người bệnh trên toàn quốc.
Hiện Việt Nam vẫn là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính năm 2020 có trên 172.000 người mắc và 10.400 người chết vì bệnh lao tại Việt Nam. Tuy là căn bệnh gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm nhưng lao hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu người bệnh được phát hiện sớm và tuân thủ chính xác phác đồ điều trị.
"Vì thế, việc triển khai cấp thuốc lao từ nguồn ngân sách nhà nước sang nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế là xu thế tất yếu để đảm bảo cho người bệnh có thuốc liên tục trong quá trình điều trị. Bên cạnh đó, lao là bệnh phải điều trị dài ngày. 70% bệnh nhân mắc lao là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Việc thanh toán thuốc cũng như các chi phí khám, chữa bệnh lao qua bảo hiểm y tế sẽ giúp người bệnh giảm thiểu chi phí điều trị, tránh được chi phí thảm họa do bệnh lao gây ra", Phó Trưởng ban điều hành Chương trình chống lao Quốc gia cho biết.
Theo Tiến sĩ Đặng Hồng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, việc chi trả thuốc bằng nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ phải đáp ứng các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, quy định của Luật Bảo hiểm Y tế và cơ quan quản lý Quỹ là Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. "Vì thế, đối với các cơ sở trước đây đã tổ chức thực hiện khám bệnh, chữa bệnh chung không vướng mấy. Tuy nhiên, đối với các cơ sở khám, chữa bệnh mới lần đầu tiên ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh lao, chắc sẽ có những lúng túng nhất định", Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế nhận định.
Hiện, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của người dân Việt Nam mới chỉ ở khoảng 90%. Như vậy, còn khoảng 10% người dân chưa tham gia bảo hiểm y tế. Tiến sĩ Đặng Hồng Nam cho rằng, việc triển khai cấp thuốc lao từ nguồn ngân sách nhà nước sang nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế cũng là một trong những động lực thúc đẩy bảo hiểm y tế toàn dân.
Trong gần 2 năm qua, Chương trình chống lao Quốc gia đã nỗ lực phối hợp với Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế xây dựng và ban hành các chính sách liên quan đến khám chữa bệnh, cấp thuốc lao, thanh toán lao qua nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế.
Trong thời gian tới, Chương trình chống lao Quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt là Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; đồng thời hướng dẫn các cơ sở điều trị lao đáp ứng các điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý sử dụng, cung ứng, điều phối thuốc lao qua bảo hiểm y tế.
Tại Việt Nam, trước đây, thuốc chống lao hàng 1 (gồm có 5 thuốc, là các thuốc được lựa chọn đầu tiên để điều trị cho bệnh nhân bị lao) được mua bằng nguồn ngân sách nhà nước thông qua Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số của Bộ Y tế để cung cấp điều trị miễn phí cho người bệnh lao. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025 không còn nguồn ngân sách Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số, ngân sách phân bổ cho các hoạt động phòng, chống lao sẽ từ nguồn ngân sách hoạt động thường quy của Bộ Y tế.
Với nguồn viện trợ Quỹ toàn cầu chu kỳ 2021-2023, thuốc chống lao hàng 2 (được dùng khi bệnh nhân bị kháng với thuốc lao hàng 1, hay trong một số trường hợp đặc biệt) hiện đang được mua bằng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế không hoàn lại từ Quỹ toàn cầu với cam kết đến hết năm 2023. Quỹ toàn cầu yêu cầu sự đóng góp của Chính phủ Việt Nam cho nhu cầu điều trị thuốc chống lao hàng 2 đối với 100 bệnh nhân lao đa kháng trong năm 2019 và 2020. Chính vì vậy, cần bảo đảm nguồn kinh phí bền vững trong nước để chi trả cho việc mua sắm thuốc chống lao hàng 1 và hàng 2, nhằm duy trì quyền lợi tiếp cận thuốc cho người bệnh./.