Nắm bắt thời cơ vàng
Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ với nhiều nội dung quan trọng, nhằm kịp thời cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ thành trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại; là đô thị hạt nhân vùng ÐBSCL theo mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra tại Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020.
Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết, Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội trao cho Cần Thơ 6 cơ chế, chính sách và 2 dự án. Thực hiện nghị quyết, thành phố Cần Thơ đang thực hiện Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, với tổng số tiền khoảng 2.000 tỷ đồng và thực hiện trong 2 năm 2024 và 2025 để tập trung thực hiện các dự án quan trọng của thành phố.
Thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện các giải pháp và có đề án cụ thể để thực hiện khai thác hiệu quả các nguồn thu, đảm bảo tăng thu ngân sách để thực hiện tự chủ và được hưởng các chính sách theo Nghị quyết của Quốc hội.
UBND thành phố cũng đã thành lập Hội đồng thẩm định, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha trên địa bàn và ban hành Quy chế phối hợp trong công tác tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên, với quy mô dưới 500 ha trên địa bàn thành phố.
HĐND thành phố đã thông qua danh mục, bổ sung các dự án cần thu hồi đất trong năm 2022 tại Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 08/7/2022, trong đó có 02 dự án có sử dụng đất trồng lúa trên 10ha. Dự kiến UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên, với quy mô dưới 500ha theo thẩm quyền tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2023.
Về Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, được quy định tại Điều 8 của nghị quyết, ông Dương Tấn Hiển cho biết, dự kiến sẽ được phê duyệt sau khi Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.
“Khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố sẽ tập trung tổ chức thực hiện các thủ tục pháp lý có liên quan, sớm lựa chọn nhà đầu tư và đưa vào vận hành trung tâm”, ông Hiển nói.
"Bệ đỡ" bức phá cho nhiều lĩnh vực
Năm 2022, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với những điều kiện thuận lợi từ cơ chế đặc thù, Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Cần Thơ đã nỗ lực phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, qua đó tình hình kinh tế - xã hội phục hồi rất tích cực và khá toàn diện, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.
Đặc biệt, một số ngành bứt phá phát triển mạnh mẽ, góp phần rất lớn vào tăng trưởng kinh tế đạt 12,64% (đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long); GDP bình quân đầu người đạt 85,99 triệu đồng.Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) ước năm 2023 đạt 94,74 triệu đồng, gấp 9,2 lần so năm 2004.
Ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết: Năm 2023 đánh dấu cột mốc 20 năm TP. Cần Thơ trực thuộc Trung ương, đồng thời là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện và phấn đấu hoàn thành tiến độ mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đặc biệt, thành phố xác định, mục tiêu của năm là tập trung khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển KT-XH.
Theo Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, năm 2023, UBND TP Cần Thơ đẩy nhanh công tác thể chế hóa có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các Nghị quyết chuyên đề, Đề án, Chương trình của Thành ủy Cần Thơ. Đặc biệt là Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.
“Trong đó, trình HĐND TP. Cần Thơ quyết nghị các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền của thành phố; chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương xúc tiến các thủ tục có liên quan, sớm đưa các nội dung cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Trung ương chính thức vào triển khai đầu tư trong năm 2023, như: Trung tâm liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, nạo vét luồng Định An...”, Chủ tịch TP. Cần Thơ chia sẻ.
Có thể nói, Nghị quyết 45 đã khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của TP. Cần Thơ đối với vùng ĐBSCL và cả nước, giúp đổi mới tư duy và tạo sự thống nhất trong tư tưởng và nhận thức của cả hệ thống chính trị, Nân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Nghị quyết cũng được xác định là sức mạnh tổng hợp, mở đường cho việc đưa ra những khâu đột phá, những chương trình trọng điểm, những giải pháp mới và thu hút nguồn lực, cả vật chất và tinh thần. Đặc biệt, từng bước làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, vùng đông đồng bào DTTS của TP. Cần Thơ.