Lo lắng, bất an
Hồ chứa nước Cao Vân nằm tiếp giáp xã Dương Huy, Tp. Cẩm Phả và xã Hòa Bình, Tp. Hạ Long (Quảng Ninh), được xây dựng vào năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, diện tích mặt hồ 1,66 km2, cao trình mực nước 24,2m, trữ lượng 10,8 triệu m3 nước. Trước đây, hồ chứa nước này do Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh quản lý, nay được UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập quản lý.
Anh Liêu Văn Phú, nhà ở gần khu vực cửa xả lũ hồ Cao Vân cho biết: Cứ đến mùa mưa, là các hộ ở gần khu vực tràn xả lũ lại thấy bất an. Bởi nước từ hồ Cao Vân xả ra, kết hợp với các dòng chảy của các con suối đổ ra sông Diễn Vọng không thoát được sẽ ùn ứ, dâng cao, ngập nhà cửa, tài sản.
"Cách đây vài năm, lũ lớn đã vượt hệ thống tường bao, tràn qua Tỉnh lộ 326 khiến nhiều hộ phải sơ tán khẩn cấp", anh Phú cho hay.
Ông Liêu Văn Hoàng - Phó trưởng thôn Thác Bạc cho biết, lòng suối khu vực này trước đây rất hẹp, áp sát vào phía trong chân đập. Nhưng gần đây, lưu lượng nước lớn đổ về khiến dòng chảy bị xói lở nghiêm trọng, cuốn trôi đất đai của 18 hộ dân Sán Dìu sinh sống tại đây.
"Vào mùa mưa lũ, cả vùng này bị ngập băng. Như trận mưa lớn năm 2015 đã cuốn trôi hàng chục mét vuông đất của nhiều hộ áp sát dòng chảy. Sau trận mưa này, nhà tôi đã phải bỏ ra hơn 2 tỷ đồng để xây dựng bờ kè ngăn nước lũ. Vậy mà sau mấy trận mưa lớn, bờ kè tiền tỷ ấy đã không cánh mà bay”, ông Hoàng buồn bã kể lại
Theo ông Hoàng, nguyên nhân của thực trạng này, là quá trình thiết kế, thi công hệ thống tràn xả lũ của hồ Cao Vân đã không được tính toán phù hợp. Trên thực tế, hệ thống tràn xả lũ của hồ Cao Vân được thiết kế khá cao, rộng nhưng ở hạ lưu dòng chảy, tuyến kè đá giáp với điểm dân cư thôn Thác Bạc lại chỉ được làm nửa vời, khiến cho mỗi khi hồ này xả lũ là dòng nước xối thẳng vào đất đai, tài sản của nhiều hộ dân nơi đây.
Ông Hoàng chia sẻ thêm, với thiết kế như vậy, cũng sau vài trận mưa, bờ tường của nhà văn hóa thôn Tha Cát (nay đã sáp nhập với thôn Đá Bạc thành thôn Thác Bạc), đã bị sạt lở chỉ cách vài mét, nguy cơ cuốn đổ công trình xuống dòng suối.
Không chỉ uy hiếp nhà cửa, đất đai của 18 hộ dân thôn Thác Bạc, mà đoạn tỉnh lộ 326, tuyến giao thông huyết mạch nối quốc lộ 279 tại phường Hoành Bồ (Tp. Hạ Long), với quốc lộ 18 ở phường Mông Dương (Tp. Cẩm Phả), cũng có nguy cơ bị cuốn băng nếu có lũ lớn bất thường.
"Trước sự an nguy của hàng chục hộ dân và tỉnh lộ 326, nhiều năm nay, bà con đã đề nghị cấp có thẩm quyền của Tp. Cẩm Phả và tỉnh Quảng Ninh xem xét, đầu tư hệ thống kè để bảo vệ đất đai, tài sản, nhưng đến nay, vẫn chưa có tiến triển gì", ông Liêu Văn Hoàng kiến nghị.
Bố trí được kinh phí xây dựng bờ kè
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, một cán bộ xã Dương Huy (Tp. Cẩm Phả) xác nhận, cơ quan chức năng đã kiểm tra thực tế và nhìn nhận, vị trí sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều hộ dân và nhà văn hóa tại thôn Thác Bạc.
Sau khi có kiến nghị của người dân, nhiều đoàn công tác của tỉnh Quảng Ninh và Tp. Cẩm Phả đã về kiểm tra và thống nhất, cần phải gấp rút triển khai dự án xây dựng hệ thống bờ kè tại khu vực này. Nguồn kinh phí giao cho Tp. Cẩm Phả chi.
Được biết, ngày 29/11/2023, HĐND Tp. Cẩm Phả đã có Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuyến kè chống sạt, lở hạ lưu tràn xả lũ hồ chứa nước Cao Vân. Mục tiêu của dự án, là bảo đảm cắt tiêu, thoát lũ cho hồ chứa nước Cao Vân, bảo đảm an toàn cho khu dân cư thôn Thác Bạc và Tỉnh lộ 326 ở gần hạ lưu tràn xả lũ. Tổng kinh phí dự án được phê duyệt, là gần 28,7 tỷ đồng từ ngân sách Tp. Cẩm Phả.
Hy vọng rằng, chính quyền Tp. Cẩm Phả sẽ sớm hoàn thiện thủ tục, bố trí được nguồn vốn triển khai hoàn thiện hệ thống bờ kè tràn xả lũ hồ chứa nước Cao Vân để các hộ đồng bào DTTS nơi đây không phải sống trong cảnh thấp thỏm lo lắng về an toàn trong mùa mưa lũ.