11 năm bị "mắc kẹt"
Những ngôi nhà xập xệ và tuềnh toành, cuộc sống vô cùng khó khăn, là những gì đang diễn ra với người dân ở bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Bà Lữ Thị Lan cho biết, 11 năm trước, Nhà nước thực hiện xây dựng hồ chứa nước bản Mồng ở phía địa phận tỉnh Nghệ An. Bản Thanh Sơn giáp ranh bị ảnh hưởng, gia đình bà cùng 119 hộ dân khác thuộc diện di dời, tái định cư (TĐC) đi nơi khác.
“Nói là vậy, nhưng chờ mãi 11 năm đã qua, chúng tôi vẫn chưa thấy ai đến đền bù, di dời để được đi nơi khác. Cuộc sống tạm bợ năm này qua năm khác, nhà cửa hư hỏng không dám sửa. Chỉ mong sao chính quyền sớm có phương án để chúng tôi an cư lạc nghiệp”, bà Lan nói.
Ông Hà Văn Giới, Trưởng bản Thanh Sơn cho biết, dự án đã kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống bà con.Nhất là đường sá đi lại vất vả, trường học, trạm y tế cách xa khu trung tâm gây khó khăn cho người dân.
“Vì vướng dự án, người dân cũng không dám đầu tư gì cả, vì sợ phải di dời hoặc ngập nước. Nhiều công trình điểm trường, nhà văn hóa, đường giao thông hư hỏng xuống cấp nhưng cũng không được đầu tư, vì không biết khi nào thì di dời”, ông Giới cho hay.
Dự án hồ chứa nước bản Mồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư, có địa bàn giáp danh tỉnh Thanh Hóa. Sau khi thực hiện Dự án, tỉnh Thanh Hóa có 119 hộ dân với 430 nhân khẩu sống trên địa bàn bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân bị ảnh hưởng, ngập nước.
Năm 2009, UBND huyện Như Xuân đã kiến nghị tỉnh Thanh Hóa đề xuất với Bộ NN&PTNT thực hiện Dự án hợp phần bồi thường hỗ trợ TĐC địa bàn huyện Như Xuân để TĐC cho các hộ dân này, nhưng đã 11 năm nay, dự án này vẫn chưa thể triển khai, do thiếu vốn.
Khó khăn do thiếu vốn
Theo UBND huyện Như Xuân, khi công trình hồ chứa nước bản Mồng đưa vào sử dụng, sẽ có nhiều hộ dân bị ngập nhà cửa, đất ở và đất sản xuất. Ngoài ra, phân trại 3 và 5 của trại giam Thanh Lâm (Bộ Công an); Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa (Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Chàng) cùng nhiều công trình công cộng và có 586,45 ha rừng... cũng bị hồ chứa làm ngập.
Được biết, năm 2017, tỉnh Thanh Hóa giao UBND huyện Như Xuân làm chủ đầu tư dự án này, nhưng quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, do phải đấu mối với nhiều cơ quan, đơn vị.Trong khi đó, diện tích đất để xây khu TĐC mới nằm trên địa bàn xã Xuân Hòa lại thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa, nên đến năm 2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã điều chỉnh, chuyển về Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư dự án.
Sau nhiều năm tạm dừng, vừa qua chủ đầu tư dự án và UBND huyện Như Xuân cũng đã lên phương án di dời các hộ dân này đến khu vực phía Bắc thôn Đồng Trình, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, quy mô khoảng 300 ha. Hiện, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đã đồng ý bàn giao 300 ha đất để tỉnh Thanh Hóa xây dựng khu TĐC cho các hộ dân.
UBND huyện Như Xuân cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan trích đo và cắm mốc bản đồ để thực hiện Dự án. Dự kiến, mỗi hộ dân sẽ được cấp 400 m2 đất ở, 600 m2 đất vườn liền kề và bình quân mỗi hộ TĐC được nhận hơn 2 ha đất sản xuất.
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý dự án đầu tư Xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, theo dự tính, tổng số vốn hoàn thành Dự án là hơn 353 tỷ đồng, nhưng hiện nay dự án chưa được cấp vốn, nên tất cả các việc liên quan đến di dời người dân đến nơi TĐC mới chưa thể thực hiện.
Ông Lê Đại Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư Xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau khi Dự án được bố trí vốn trong năm tới, Ban sẽ thiết kế khu TĐC, thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để di chuyển bà con ra nơi ở mới theo kế hoạch.