Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đồng chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; lãnh đạo chủ chốt 5 tỉnh trong vùng Tây Nguyên.
Về phía Ủy ban Dân tộc (UBDT), Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Vinh Tơr tham dự và trình bày tham luận tại điểm cầu Trung ương. Tại điểm cầu UBDT có các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm: Nông Quốc Tuấn, Y Thông cùng lãnh đạo các vụ, đơn vị trực thuộc UBDT tham dự.
Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững
Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng đất Tây Nguyên, ngày 18/1/2002, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW; Bộ Chính trị khóa XI đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và ban hành Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24/10/2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 và thời kỳ 2011 - 2020. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị (khóa IX - XI), các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng sáng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên.
Nghị quyết lần này có 3 điểm mới, kế thừa, bổ sung, phát triển 4 quan điểm của Nghị quyết số 10-NQ/TW thành 5 quan điểm chỉ đạo mới, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới. Ở đây có nhiều nội dung thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, quyết tâm rất cao của Đảng ta tại Đại hội XIII, quyết tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về phát triển vùng Tây Nguyên trong thời kỳ chiến lược mới.
Theo đó, mục tiêu và tầm nhìn của Nghị quyết đã xác định một cách tổng quát, một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện rõ khát vọng, ý chí, quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta, nhất là cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong vùng.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết lần này đề ra đầy đủ, đồng bộ và mới mẻ các nhiệm vụ, giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh, bền vững kinh tế vùng; về phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; về bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mục tiêu, yêu cầu phát triển Tây Nguyên trong thời kỳ mới.
Coi các giá trị văn hóa là động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành Trung ương và các địa phương phát biểu tham luận cho thấy, toàn vùng Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng; đồng thời chỉ ra, không ít những khó khăn, thách thức lớn.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Vinh Tơr đã trình bày tham luận của UBDT về “Phát triển khu vực đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia”. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh về các quan điểm, mục tiêu, giải pháp phát triển vùng đồng bào DTTS khu vực Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải quán triệt thật đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết; nắm vững các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, của người dân và cộng đồng các doanh nghiệp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng. Đổi mới tư duy phát triển, nhất là về liên kết vùng, tiểu vùng; về cơ chế, chính sách đặc thù; về phân bổ nguồn lực; về nguồn nhân lực, tiềm năng, lợi thế nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, các tiểu vùng và từng tỉnh trong vùng, tiểu vùng; giải quyết các vấn đề trọng điểm quốc gia tại vùng; các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tiểu vùng.
Tổng Bí thư lưu ý cần xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc, coi đây là động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập quốc tế. Ưu tiên giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa, giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của các DTTS, nhất là các lễ hội truyền thống, không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, coi đây là nhân tố hàng đầu có tính quyết định. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Trong đó, cần quan tâm đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận, cán bộ nữ, cán bộ là người DTTS.
Ngay sau Hội nghị này, căn cứ vào Nghị quyết, Kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các ban đảng Trung ương và các cơ quan, Tổng Bí thư đề nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị của các địa phương trong vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết Đại hội đảng bộ các tỉnh.