Do chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, từ đêm ngày 7/9 đến ngày 8/9, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to trên diện rộng. Lượng mưa đo được từ 19h ngày 7 đến 15h ngày 8/9 tại một số Trạm như sau: Có 7 trạm mưa rất to, chủ yếu tập trung khu vực thị xã Sa Pa (Mường Hoa 220,6mm, Hoàng Liên 207,6mm, Bản Khoang 169,8mm, Thủy điện Séo Chong Hô 133,8mm, Ngũ Chỉ Sơn 116,8mm, Bản Hồ 103,4mm, xã Nậm xây, huyện Văn Bàn 102,6mm); 17 trạm mưa to 50 - 84,6mm, 24 trạm mưa vừa, 1 trạm mưa nhỏ, 1 trạm không mưa.
Hiện nay, lũ trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang lên nhanh. Trong 12h qua, lũ trên sông Hồng tại Lào Cai, Bảo Hà, suối Nhù tại Văn Bàn đang lên nhanh do ảnh hưởng mưa lớn trên lưu vực kết hợp với điều tiết xả lũ của các hồ chứa phía thượng nguồn. Mực nước lúc 15h, ngày 8/9 trên các sông, suối như sau: Trên sông Hồng tại Bảo Hà: 56,83m, dưới báo động bIII là 0,17m. Trên sông Hồng tại Lào Cai: 79,49m, dưới báo động I là 0,51m. Trên suối Nhù tại Văn Bàn: 89,09m, dưới báo động II là 0,41m. Mực nước trên sông Chảy tại Bảo Yên đang xuống chậm, lúc 15h là 78,21m, suối Nghĩa Đô tại Vĩnh Yên lúc 15h là 128,65m.
Thiên tai đã làm chết 6 người, 9 người bị thương (do sạt lở), 50 nhà ở bị ảnh hưởng, thiệt hại (Sa Pa 19 nhà, Bảo Thắng 13, Văn Bàn 18 nhà), trên 248ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại thuộc các huyện Văn Bàn, Bảo Thắng, Bảo Yên; nhiều vị trí thuộc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ bị sạt lở; một số công trình thủy lợi tại huyện Văn Bàn bị hư hỏng… Ước thiệt hại ban đầu gần 8 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các cơ quan, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn Lào Cai trên các phương tiện thông tin đại chúng để có kế hoạch và các biện pháp phù hợp ứng phó với các loại thiên tai nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tổ chức rà soát các hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để có phương án di chuyển kịp thời. Chỉ đạo quyết liệt phương án sơ tán, di chuyển những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn.
Tổ chức lực lượng tuần tra, cảnh giới, cắm biển cảnh báo những vị trí ngầm tràn có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ ống, lũ quét,... để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn; thông báo cho người dân không nghỉ qua đêm tại lều, lán, nương, rẫy. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống thiên tai tại công trường.
Phối hợp với các sở: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các chủ đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi thực hiện kiểm tra hồ đập, xử lý các khu vực trọng điểm xung yếu về hồ đập; vận hành hồ chứa, xả lũ đúng quy trình; thông tin kịp thời cho chính quyền địa phương và người dân trước khi xả lũ để bảo đảm an toàn cho các công trình, khu dân cư hạ du. Huy động mọi nguồn lực để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai…