Từ TP. Long Xuyên đi theo tỉnh lộ 943 đến địa phận Thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn (An Giang), rồi rẽ theo hướng kênh vành đai, là một vùng quê khang trang, mướt xanh cây trái. Theo con đường ven núi, chợt nghe tiếng chuông chùa vọng lại, Thiền viện Trúc Lâm An Giang hiện lên uy nghiêm trên vách núi, bên lòng hồ như một “Hạ Long thu nhỏ” làm xao xuyến lòng người.
Thiền viện được khởi công vào năm 2017 (diện tích 11 ha) theo lối kiến trúc truyền thống đặc trưng của Thiền tông Phật giáo với 2 khu: Nội điện và ngoại điện. Trong đó, khu nội điện nằm trên đỉnh vách núi sau chùa với thiền đường, tăng đường. Khu Ngoại điện xây trên đất liền ven hồ gồm các hạng mục: Chánh điện, nhà tổ, hội trường, thiền đường, cổ lâu, chay đường, cổng chính...
Ngoài ra, còn có bảo tháp 13 tầng và tượng Bồ Tát Quan Âm cao 63 m uy nghiêm trên đỉnh núi. Khuôn viên chùa có nhiều công trình tiểu cảnh độc đáo điểm tô thêm cho nét sơn thủy hữu tình, như: Hồ cá lớn Thủy Liên và Thủy Lâm, tiểu sơn Trúc Lâm Viên, nhà mát Thủy Liên Đài…
Là phật tử địa phương thường lui tới chùa chiêm bái, chị Huỳnh Thị Lệ Thủy cho biết: Bản thân cảm thấy rất tự hào vì An Giang có thêm điểm đến tâm linh vô cùng tươi đẹp, sơn thủy hữu tình. Mỗi lần đến đây, chị lại thấy càng thêm yêu xứ sở và hy vọng về sự đổi mới của quê hương.
Chậm rãi rót tách trà nóng rồi ân cần chuyền cho chúng tôi, Trụ trì thiền viện - Đại đức Thích Đạt Ma Chí Kiên nhớ lại những ngày đầu Giáo hội nhận đất xây chùa. Ngày ấy nơi đây là khu hoang hóa, tiêu sơ, ít người lai vãng. Mặt bằng chùa lẫn lộn đá tảng, công việc xây dựng rất khó khăn. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ về cơ chế của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, cũng như sự đóng góp của bà con gần xa, mà từng bước Thiền viện được khang trang như ngày nay.
“Vào các dịp Tết, lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan, Thiền viện đón tiếp từ 10 - 20 nghìn lượt khách thập phương. Tết Nguyên Đán năm 2022 vừa qua, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà chùa đã giảm bớt các nghi lễ, hạn chế tập trung đông người, treo áp phích hướng dẫn cách phòng bệnh COVID-19, thực hiện các biện pháp 5K”, Đại đức Thích Đạt Ma Chí Kiên cho biết.
Bên cạnh đó, phát huy truyền thống yêu nước, nêu cao tinh thần gắn bó đạo - đời, Thiền viện Trúc Lâm An Giang thường xuyên tổ chức công tác từ thiện như, vận động tăng ni, phật tử sống trong chánh tín, chấp hành luật pháp, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xây dựng nhà tình thương, vận động bà con phấn đấu làm ăn xóa đói, giảm nghèo...
Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh An Giang - ông Nguyễn Phú ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Thoại Sơn, Thiền viện Trúc Lâm An Giang và bà con phật tử trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, mong muốn các chức sắc, chức việc và bà con phật tử tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đường hướng “Đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội” và sống tốt đời, đẹp đạo.
Dạo bước bên miền non nước hữu tình, nghe tiếng chuông chùa lắng đọng và nhìn những con đường nhựa thẳng tắp, những ngôi trường mới, những công trình văn hóa khang trang... ít ai nghĩ từ một địa phương khó khăn Thoại Sơn đã từng ngày thay da đổi thịt. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của huyện trên 6,2%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 15 triệu đồng/năm. Đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 3,74%, thu nhập bình quân đầu người đạt 54 triệu đồng/năm. Toàn huyện có 1.144 hộ là đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo là 13,46%.
Năm 2018, Thoại Sơn vinh dự trở thành huyện đầu tiên trong cả nước đạt 3 danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và Huyện nông thôn mới. Thành quả đó, có sự chung tay đóng góp từ các tầng lớp Nhân dân.
Theo Sở Nội vụ, An Giang hiện có 11 tôn giáo với hơn 1,5 triệu tín đồ, chiếm 82,7% dân số toàn tỉnh. Trong quý I/2022, trước tình hình dịch Covid-19, các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng đã chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống dịch; tích cực ủng hộ nhu yếu phẩm; đồng thời vận động các nguồn quỹ từ thiện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.