Ngày 19/12, tại Hà Nội, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ phối hợp với Báo Thế giới và Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới”. Đây là một trong chuỗi hoạt động của đợt cao điểm tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948 - 10/12/2024).
Hội thảo thu hút sự tham dự của các đại biểu đến từ các cơ quan, ban, ngành trực tiếp tham gia công tác thông tin đối ngoại về quyền con người như Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo nhân quyền Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Ngoại giao, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; các nhà ngoại giao, chuyên gia về quyền con người, đại diện Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền và các cơ quan báo chí…
Cần sáng tạo trong tuyên truyền đối ngoại
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ, cho biết: Cùng với những thành tựu to lớn của đất nước, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho rằng, công tác thông tin đối ngoại về quyền con người đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, cần phải thẳng thắn nhìn nhận và cùng nhau tìm ra biện pháp khắc phục như: Chỉ chú trọng công tác đấu tranh, phản bác; chưa thực sự làm tốt việc lan tỏa thông tin đến với chính giới và công dân các nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; công tác thông tin các vấn đề liên quan đến quyền con người còn chậm, bị động trước thông tin của báo chí nước ngoài, mạng xã hội và các tác động khách quan đến từ tình hình quốc tế và khu vực…
Thứ trưởng khẳng định, để công tác truyền thông đối ngoại đạt hiệu quả cao, cần phải có những hình thức tuyên truyền sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội; đồng thời nhấn mạnh, công tác thông tin đối ngoại về quyền con người cần được xem là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, yêu cầu sự đồng bộ trong nhận thức và hành động của các cơ quan chức năng, đặc biệt là trong việc đổi mới tư duy và phương thức triển khai. Cần phải bảo đảm sự thống nhất giữa các cấp, từ Trung ương đến địa phương trong việc tuyên truyền và cung cấp thông tin về quyền con người, nhằm đạt được hiệu quả tối ưu trong các hoạt động đối ngoại.
Theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, các cơ quan liên quan cần linh hoạt trong việc xây dựng các chiến lược truyền thông, chú trọng đến việc lựa chọn thời điểm và bối cảnh phù hợp để truyền tải thông điệp về quyền con người, qua đó góp phần tăng cường mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia, tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về quyền con người nên tập trung vào những lĩnh vực mà Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, như xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng giới, quyền trẻ em, quyền của người khuyết tật, quyền tiếp cận giáo dục và y tế…
“Những câu chuyện cụ thể về con người, về những thay đổi tích cực trong cuộc sống sẽ có sức thuyết phục cao, giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, từ đó tăng cường sự đồng thuận và ủng hộ đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước ta”, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nêu rõ.
Một yếu tố quan trọng khác mà Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề cập là tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và báo chí nước ngoài nhằm đấu tranh và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, qua đó thúc đẩy hình ảnh quốc gia, nâng cao nhận thức quốc tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và xây dựng một môi trường đối thoại công bằng trên các diễn đàn quốc tế.
Tiếp tục đổi mới tư duy, cách làm
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ, Phó Tổng Biên tập Tạp chí nhân quyền Việt Nam, khẳng định, trong bối cảnh các thế lực thù địch, cực đoan đang triệt để chống phá Việt Nam trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, thông tin đối ngoại đóng vai trò rất quan trọng, giúp cộng đồng quốc tế hiểu đúng, hiểu rõ quan điểm, chủ trương, chính sách, thành tựu của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người, đồng thời đấu tranh, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc, tranh thủ sự ủng hộ đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
“Công tác thông tin đối ngoại về quyền con người đang đứng trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải có sự đổi mới về cả nội dung và phương pháp, đặc biệt khi vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam đang gia tăng trên trường quốc tế”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương nói.
Ông Nguyễn Vũ Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, khẳng định, công tác truyền thông về quyền con người được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và một trong những bằng chứng đó là sự hiện diện rộng rãi của các thông tin tuyên truyền trên nhiều kênh thông tin, trong đó có mạng xã hội…
Theo ông Nguyễn Vũ Minh, để đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới, cần tăng cường truyền thông về các nội dung pháp luật, thể chế, vai trò của các cơ quan trong tăng cường khả năng tiếp cận pháp lý và bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương. Bên cạnh việc phản ánh các quan điểm, chủ trương của Đảng, triển khai của các cơ quan liên quan, cần chú ý thể hiện rõ hơn sự tham gia của người dân trong truyền thông về các nỗ lực, thành tựu của công tác thông tin đối ngoại về quyền con người.
Bàn về phương thức truyền thông mới trong thời gian tới, ông Đinh Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng, để nâng cao công tác đấu tranh phản bác, việc cung cấp thông tin đầy đủ hơn, đặc biệt là đối với các cơ quan truyền thông hải ngoại đóng vai trò quan trọng.
Theo ông Dũng, các nỗ lực tuyên truyền về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người cần tránh cách làm chính luận “khô khan”, để cộng đồng, người dân cũng có thể tham gia vào công tác này, qua đó giúp thế giới biết đến Việt Nam và thấu hiểu Việt Nam nhiều hơn.
Cũng tại Hội thảo, các cơ quan quản lý hoạt động thông tin đối ngoại Trung ương và địa phương, các cơ quan báo chí, nhà nghiên cứu, học giả liên quan đến công tác thông tin đối ngoại và công tác quyền con người đã có nhiều trao đổi liên quan chính sách và học thuật, thảo luận về những cách thức mới, hiệu quả trong triển khai công tác thông tin đối ngoại về quyền con người trong bối cảnh mới.