Từ trung tâm xã biên giới Bản Lầu; theo con đường hai bên bạt ngàn màu xanh của chuối, dứa, chúng tôi vào thôn Cốc Phương. Đón chúng tôi ngay ở đầu thôn, Trưởng thôn Giàng Chúng phấn khởi thông báo: Năm nay giá chuối ổn định, nhà ít cũng thu vài chục triệu đồng, nhà nhiều thì vài trăm triệu đồng.
“Bà con trong thôn năm nay ăn Tết to rồi”, Trưởng thôn Giàng Chúng bảo.
Theo lời Giàng Chúng, hơn 10 năm về trước, Cốc Phương là vùng đất bỏ hoang, lau lách ngút đầu người, không điện, không đường, không trạm y tế... Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, cấp ủy và chính quyền huyện Mường Khương đưa các hộ người Mông ở vùng núi đá Dìn Chin, Pha Long, Tả Gia Khâu về đây lập nghiệp. Nhà nước hỗ trợ phương tiện di chuyển nhà ở, trợ cấp tiền, gạo và giống cây trồng, phân bón để sản xuất; rồi giao đất, giao rừng cho bà con canh tác và chăm sóc bảo vệ rừng, tạo sinh kế bền vững.
Thông qua các Chương trình 134 hỗ trợ đồng bào DTTS, Chương trình 135 hỗ trợ các xã ĐBKK, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng. Con đường nhựa rộng rãi, nối từ trung tâm xã Bản Lầu chạy xuyên suốt 7 thôn biên giới, từ Đồi Gianh, Pạc Bo…, qua Na Lốc và Cốc Phương, nối với xã Nậm Chảy; điện lưới quốc gia đến từng nhà… là chìa khóa mở cánh cửa thông thương, tiếp cận với thị trường, với cuộc sống mới bên ngoài, giúp đồng bào nơi đây thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo, lạc hậu.
tham mưu của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lào Cai, cấp ủy, chính quyền hai bên đã tổ chức để hai cụm dân cư Cốc Phương - Tam Bình Bá ký kết nghĩa. 6 nội dung phối hợp đã được thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá thảo luận, thống nhất và thông qua. Đây là Biên bản ghi nhớ cấp thôn bản đầu tiên được hình thành trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung.
Trưởng thôn Cốc Phương, ông Giàng Chúng cho hay, kể từ ngày kết nghĩa, hằng năm thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá của Trung Quốc đều tổ chức gặp gỡ, vừa để giao lưu, vừa đánh giá lại những kết quả phối hợp dựa trên 6 điều ghi nhớ đã được thông qua để cùng rút kinh nghiệm, triển khai tốt hơn trong những năm sau.
“Bà con Nhân dân hai bên còn góp tiền mua chung chiếc trống để phục vụ việc cưới, việc tang. Chiếc trống này hai bên thay nhau giữ, nếu bên nào có việc thì mang về dùng. Chiếc trống hiện đang được giữ ở nhà ông Thào Sẩu, Người có uy tín trong thôn. Bây giờ, mỗi khi nghe tiếng trống bên “hàng xóm” là bà con hai bên lại chủ động liên lạc với nhau để cùng sang giúp”, Trưởng thôn Giàng Chúng chia sẻ.
Thượng tá Nguyễn Văn Thiệu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bản Lầu cho biết: Thời gian qua, tình hình an ninh trật tự ở Cốc Phương rất ổn định. Bà con cư dân hai bên đã đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, tham gia bảo vệ an ninh biên giới, khi phát hiện có người lạ thâm nhập vào khu vực biên giới kịp thời báo cho lực lượng chức năng xử lý.
“Vào các ngày lễ Tết, ngày trọng đại của hai đất nước, bà con Nhân dân hai thôn đều tổ chức sang thăm hỏi, chúc mừng và giao lưu văn nghệ, thể thao để tăng cường tình đoàn kết”, Thượng tá Thiệu cho biết thêm.
Rời Cốc Phương khi không khí Tết đã lan tỏa khắp mọi nhà, chúng tôi mang theo bao lưu luyến. Bà con Nhân dân biên giới kết nghĩa như thôn Cốc Phương với tổ Tam Bình Bá đang được nhân rộng và phát huy hiệu quả tích cực trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam -Trung Quốc; góp phần quan trọng vào việc vun đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia, làm trong sáng thêm, sâu sắc thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa Nhân dân hai bên biên giới.