Là một trong những GĐVH tiêu biểu được UBND TP. Hà Nội vinh danh trong tuần lễ Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2017, gia đình ông Quách Đức Soạn, dân tộc Mường, ở thôn Rộc Éo, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội đã gây ấn tượng với thu nhập gần 1,5 tỷ đồng mỗi năm và trở thành gia đình đi tiên phong trong việc tìm tòi đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Soạn cho biết: “Gia đình tôi là gia đình thuần nông, có truyền thống cách mạng và cũng thuộc gia đình theo mô hình truyền thống 4 thế hệ sống chung trong một mái nhà. Bên cạnh việc chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thì các thế hệ trong gia đình tôi luôn có ý thức tìm tòi, sáng tạo trong lao động sản xuất. Hiện chúng tôi đang áp dụng mô hình sản xuất, chăn nuôi kết hợp với trồng rừng và nuôi trồng thủy sản. Tổng thu nhập của gia đình, tính bình quân đầu người đạt 200 triệu đồng/người/năm”.
Hay gia đình ông Bùi Đăng Nghiêm ở xã An Phú, huyện Mỹ Đức là gia đình hiếu học với con cái, dâu, rể đều tốt nghiệp đại học. Bản thân ông Nghiêm trước kia cũng từng bước vào giảng đường đại học nhưng sau đó vào quân ngũ và trở về công tác tại địa phương. Em trai ông Nghiêm cũng từng tốt nghiệp đại học và hiện công tác tại Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đánh giá về hiệu ứng của phong trào xây dựng GĐVH, ông Nguyễn Tất Vinh, Trưởng ban Dân tộc TP. Hà Nội cho biết, trong những năm qua, việc xây dựng GĐVH trong đồng bào DTTS luôn được chính quyền các cấp của huyện quan tâm, chỉ đạo. Theo đó, nhiều phong trào được phát động tại cơ sở, như: “Nuôi dạy con ngoan”; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; “Gia đình dòng họ hiếu học”… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS về vai trò của xây dựng văn hóa trong đời sống, nâng tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu GĐVH của Thành phố hằng năm lên trên 85%.
Đặc biệt, trong xu thế phát triển chung của xã hội, đồng bào DTTS của Thủ đô đã nhận thức đúng đắn và từng bước xóa bỏ những thói quen cũ không còn phù hợp. Đời sống văn hóa đã có nhiều đổi mới, đáng chú ý trong việc cưới, việc tang đã không còn tình trạng hút thuốc lá và uống rượu say thâu đêm suốt sáng. Đám cưới được tổ chức không phô trương, vụ lợi, cô dâu và chú rể cũng được khuyến khích mặc trang phục truyền thống. Trong thôn khi có người mất không còn tình trạng để thi hài kéo dài nhiều ngày như trước mà được mai táng sau 28 giờ…
Nhấn mạnh về vai trò, hiệu quả của công tác xây dựng GĐVH, ông Nguyễn Tất Vinh, Trưởng Ban Dân tộc TP chia sẻ: Trong thời gian tới, Ban Dân tộc sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước ở vùng DTTS, miền núi, như: Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do Ủy ban MTTQ Việt Nam phát động, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Người tốt việc tốt”… Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan để nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình đồng bào DTTS của Thủ đô, phấn đấu để mỗi gia đình trong cộng đồng các dân tộc thực sự là tổ ấm, là tế bào lành mạnh cho sự phát triển chung của Thủ đô.
Duy Anh