Theo kế hoạch của UBND tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh sẽ tập trung triển khai tổng kiểm kê, lập danh mục di sản văn hóa về trang phục truyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh; đồng thời xây dựng mô hình bảo tồn và phát huy trang phục dân tộc Raglai tại hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Tỉnh cũng sẽ tăng cường quảng bá và phát huy di sản văn hóa trang phục các DTTS thông qua các lễ hội, liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật; tổ chức triển khai cho học sinh người DTTS mặc trang phục dân tộc tại các trường học.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong giai đoạn này, sẽ làm tiền đề cho giai đoạn 2026 - 2030 để tiếp tục thực hiện và phát huy. Ngoài ra, còn tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm về trang phục dân tộc tại các khu, điểm du lịch.
Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa cho biết: UBND tỉnh giao Sở chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ, bắt đầu từ năm 2021. Ngành Giáo dục và Đào tạo và chính quyền các địa phương sẽ trực tiếp triển khai các nội dung quan trọng của kế hoạch.
“Hy vọng rằng, việc thực hiện kế hoạch này sẽ là một cú hích để thúc đẩy phong trào mặc trang phục dân tộc của chính đồng bào các DTTS”, ông Hoa kỳ vọng. Tuy nhiên, theo ông Hoa, triển khai kế hoạch sẽ có những khó khăn nhất định. Trong đó, việc xác định nguồn gốc trang phục truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh là không hề dễ dàng.
Lâu nay, khi nói chuyện trang phục của đồng bào Raglai, nhiều người không khỏi băn khoăn, bởi việc truy tìm nguồn gốc trang phục của bà con là điều rất khó. Trước đây, những người tâm huyết với văn hóa dân tộc Raglai ở Khánh Hòa đã cố gắng đi tìm trang phục truyền thống của đồng bào Raglai. Nhưng, trong nhiều công trình nghiên cứu cấp nhà nước, cấp tỉnh, các tác giả cũng đành ghi lại: Chưa tìm thấy y phục cổ truyền của người Raglai.
Nghệ nhân Ưu tú Mấu Quốc Tiến, dân tộc Raglai, ở huyện Khánh Sơn, cho biết: “Tôi đã từng cùng với một số nhà nghiên cứu tìm hiểu về trang phục truyền thống của đồng bào Raglai. Dù có những manh mối, nhưng rất khó để hình dung được kiểu cách, màu sắc, họa tiết như thế nào. Trang phục của đồng bào đang mặc như chúng ta vẫn thấy, hoàn toàn theo sở thích của đồng bào, chứ không theo một quy chuẩn nào”.
Theo ông Tiến, khi tham gia các lễ hội truyền thống, phụ nữ Raglai mặc áo khoang với hai màu chính là đen và trắng, cổ áo hơi tròn, hai ống tay áo dài tới giữa cẳng tay, váy màu đen hoặc màu xanh đậm, dưới gấu váy thêu một vòng hoa văn. Đàn ông Raglai mặc khố và áo khoang với nhiều vòng đen - trắng xen nhau liên tục. Về cơ bản là thế, nhưng giữa người Raglai ở các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, TP. Cam Ranh trang phục cũng khác nhau rất nhiều.
Còn trang phục truyền thống của người Ê-đê sinh sống ở huyện Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa cũng chưa thể xác định được. Ngày thường họ mặc giống như người Kinh. Mỗi khi có dịp lễ hội thì họ mặc trang phục gần giống với người Ê-đê ở tỉnh Đăk Lăk. Với đồng bào T’rin (một nhánh của dân tộc Cơ-ho), từ lâu cách mặc đã giống với đồng bào Chăm, bản thân họ cũng không tự dệt vải để may trang phục.
Một khó khăn nữa là lớp trẻ người DTTS không còn cảm thấy thích thú khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống. “Theo sự phát triển của xã hội, hiện nay, họ đã thay đổi thói quen mặc trang phục truyền thống bằng bộ trang phục phổ thông giống người Kinh. Những dịp lễ hội, chỉ có người già mặc trang phục truyền thống, còn thanh niên thì không mặc, nếu có cũng chỉ qua loa cho qua chuyện”, ông Lê Văn Hoa, chia sẻ.
Theo sự phát triển của xã hội, hiện nay, họ đã thay đổi thói quen mặc trang phục truyền thống bằng bộ trang phục phổ thông giống người Kinh. Những dịp lễ hội, chỉ có người già mặc trang phục truyền thống, còn thanh niên thì không mặc, nếu có cũng chỉ qua loa cho qua chuyện”.
Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Khánh Hòa.