Tạo sinh kế để đồng bào thoát nghèo
Huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) có trên 77% dân số là người đồng bào DTTS. Việc thực hiện các chính sách dân tộc, miền núi trong nhiều năm qua, được địa phương đặc biệt quan tâm, triển khai thực hiện đầy đủ, đồng thời lồng ghép vào các chương trình trọng điểm nhằm hỗ trợ vùng DTTS và miền núi có điều kiện tốt nhất để phát triển.
Cụ thể như, chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh cho đồng bào DTTS được đồng loạt triển khai, Thừa Thiên - Huế đã ưu tiên các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, nước sạch cho vùng DTTS và miền núi…; đầu tư xây dựng 9 khu định canh định cư để đồng bào an cư lập nghiệp.
Đông Sơn (A Lưới) là xã biên giới có 100% đồng bào DTTS sinh sống, cũng là địa phương được hưởng lợi từ các chính sách ưu tiên đầu tư của tỉnh, huyện. Nổi bật là, Chương trình hỗ trợ đồng bào vay vốn để sản xuất, hỗ trợ cây con, trồng rừng… đã mang lại nhiều thay đổi. Cụ thể, đã có hàng chục hộ gia đình như Hồ Văn Lợi, Hồ Văn Tua, Hồ Văn Tình, Hồ Thị Lành, Hồ Văn Tanh… mỗi gia đình trồng vài ha rừng, chăn nuôi hàng chục con gia súc.
Hay như nhiều hộ gia đình ngoài tăng gia sản xuất, còn mở rộng kinh doanh, đầu tư phát triển nghề thủ công truyền thống, tăng thu nhập, tạo nên sự thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi Đông Sơn.
Anh Hồ Văn Lợi, người Pa Cô (nhóm địa phương thuốc dân tộc Tà Ôi) ở thôn Loah - Ta Vai, xã Đông Sơn vẫn không thể ngờ, gia đình anh có thể vươn lên làm giàu từ xuất phát điểm là hộ nghèo. Sau khi được vay nguồn vốn ưu đãi 50 triệu đồng và được cấp cây, con giống từ chương trình hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, gia đình anh Lợi đã có trong tay một gia trại trồng rừng, nuôi bò mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình anh còn mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa...
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Hồ Viết Ái, Trưởng phòng Dân tộc huyện A Lưới, cho biết: Chính sách DTTS được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện kịp thời, ngoài ra tỉnh, huyện đã ưu tiên các nguồn lực để đầu tư vùng DTTS trong nhiều năm qua, đã làm cho đời sống đồng bào được nâng lên rất nhiều.Tất cả các xã đều có trạm y tế và trường học khang trang, có bưu điện văn hóa, trạm truyền thanh, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
"Các lĩnh vực đầu tư phát triển sản xuất, khai hoang, bố trí lại dân cư, lập vườn, trồng cây lâm nghiệp, luôn được ưu tiên đến hộ đồng bào DTTS. Nhờ đó, 100% hộ đồng bào DTTS đều được bố trí đất ở, đất sản xuất. Được tạo sinh kế, nhiều hộ gia đình đồng bào đã thoát nghèo bền vững", ông Ái cho biết thêm.
Đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng
Thượng Nhật, là xã miền núi huyện Nam Đông, trước đây thuộc diện đặc biệt khó khăn. Toàn xã có 616 hộ, trong đó 93% là đồng bào DTTS. Trong 2 năm (2020 và 2021), để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh, huyện đã ưu tiên từ nhiều nguồn vốn như, vốn đối ứng của Chính phủ, vốn WB và cộng đồng đóng góp 5%, nguồn kinh phí xây dựng các công trình dự án chính sách dân tộc, mỗi năm đạt hàng tỷ đồng... để đầu tư cho xã xây dựng công trình bức thiết như công trình thủy lợi, đường giao thông, đường vào khu sản xuất, hệ thống nước sạch cho toàn xã...
Ông Hoàng Trung Nam, Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật cho biết các dự án, chương trình, chính sách dân tộc. đã góp phần làm thay đổi bộ mặt thôn bản, từ thay đổi cơ sở hạ tầng đến thay đổi nhận thức, tư tưởng tự vươn lên của đồng bào.
Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc Thừa Thiên - Huế, thì chỉ tính riêng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn DTTS toàn tỉnh trong 5 năm qua, đạt hơn 50 tỷ đồng, với gần 6.000 hộ được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, nguồn vốn bố trí cho 9 điểm định canh, định cư là gần 100 tỷ đồng. Trong đó, đã có 3 điểm định canh định cư cơ bản hoàn thành đưa dân về sinh sống ổn định, gồm điểm ở thôn Tà Rỵ, xã Hương Hữu; thôn Ta Rinh xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông và dự án định canh định cư Khe Bùn, xã A Ngo, huyện A Lưới.
Ngoài ra, đã có 175 nghìn lượt người dân ở các khu vực vùng sâu, vùng xa tỉnh Thừa Thiên - Huế được vay vốn từ chính sách tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội dể đầu tư vào các mô hình sản xuất, vươn lên thoát nghèo thay đổi cuộc sống, với tổng nguồn vốn là hơn 3 nghìn tỷ đồng. Chưa kể các nguồn vốn đầu tư đường giao thông nông thôn, trợ giá lãi suất vay… lên tới hàng trăm tỷ đồng...
Theo đó, đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của Thừa Thiên - Huế; đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần.
Mặc dù có nhiều chính sách đầu tư nhưng vùng đồng bào DTTS vẫn còn nghèo; cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông nông thôn ở nhiều nơi vẫn còn hạn chế. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm 21,9% tổng số hộ nghèo của tỉnh và 19,8% so với tổng số hộ là đồng bào DTTS.
Do vậy, trong thời gian tới, Thừa Thiên - Huế sẽ tận dụng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để đầu tư, hỗ trợ phát triển nhanh và bền vững vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS.
.