Tham dự buổi làm việc, về phía Đoàn công tác Chính phủ có: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục; Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đại diện lãnh đạo các bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài Nguyên và Môi trường; Giao thông Vận tải; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đại diện lãnh đạo Ủy ban Dân tộc có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông.
Về phía tỉnh tỉnh Gia Lai có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Rah Lan Chung; cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương.
Báo cáo tại buổi làm việc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên cho biết: Đảng bộ tỉnh Gia Lai hiện có có 21 đảng bộ trực thuộc, 953 tổ chức cơ sở đảng, 3.490 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, tổng số đảng viên đến cuối tháng 3/2022 là 63. 549 người. Thời gian qua, với sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, linh hoạt của Đảng bộ tỉnh, các cấp, các ngành, cơ quan, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thực hiện hiệu quả mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa duy trì, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và đạt được một số kết quả quan trọng.
Năm 2021, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 9,71% so với năm 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 7.881 tỷ đồng, đạt 173,1% dự toán Trung ương giao. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 70.000 tỷ đồng, tăng 2,42 lần so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2021 của tỉnh đứng thứ 26 toàn quốc, tăng 12 bậc so với năm 2020. Toàn tỉnh có 7.982 doanh nghiệp, 358 hợp tác xã và 2 Liên hiệp Hợp tác xã. Trong quý I/2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước đạt 7,08%.
Đồng thời, tỉnh đã nêu một số đề xuất, kiến nghị đối với Trung ương, Chính phủ liên quan đến công tác đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông và một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, đầu tư đường cao tốc Pleiku - Quy Nhơn, tỉnh đã đề xuất với Trung ương, Chính phủ bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2026 - 2030, hoặc giao các ban, bộ, ngành Trung ương giúp tỉnh Gia Lai tìm đối tác để sớm triển khai trước năm 2030. Đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan giúp tỉnh Gia Lai thu hút vốn ODA; cho phép tỉnh áp dụng quy định dự án đang triển khai nhưng phát sinh tiêu chí quan trọng quốc gia theo quy định tại khoản 7, Điều 1, Nghị định số 02/2020/NĐ-CP, ngày 1/1/2020 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia.
Cùng với đó, tỉnh cũng mong muốn Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT thống nhất cho phép tỉnh xử lý diện tích cao su chết và kém phát triển sang trồng các loại cây khác. Nghiên cứu có các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình hiện nay để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị vùng Tây Nguyên. Xem xét việc nâng hạng Di tích quốc gia “Khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá” thành di tích quốc gia đặt biệt và công nhận Rìu tay là bảo vật quốc gia.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những kết quả tỉnh Gia Lai đạt được trên các lĩnh vực, đồng thời đề nghị các bộ, ngành Trung ương tham gia ý kiến, đề xuất các giải pháp để giúp Gia Lai khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, phát triển đột phá trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã nêu một số ý kiến về thực hiện nhiệm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đồng thời làm rõ thêm về những kiến nghị của tỉnh Gia Lai tại buổi làm việc. Trong đó, liên quan đến đề xuất chuyển đổi trên 12 ngàn ha cao su chết và kém phát triển sang trồng các loại cây khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá cao chuẩn bị các nội dung, tài liệu chuẩn bị, báo cáo trọng tâm của tỉnh Gia Lai. Các bộ ngành đã đóng góp các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, đầy đủ, nhất là đối với những vấn đề đề xuất của địa phương.
Thủ tướng nhận định, ấn tượng lớn nhất đối với Gia Lai là có tiềm năng rất lớn về con người, truyền thống văn hóa lịch sử, không gian văn hóa cồng chiêng, diện tích nông - lâm nghiệp rất lớn, thiên nhiên ưu đãi. Nhất là Gia Lai có tiềm năng thuận lợi cho phát triển 3 lĩnh vực thế mạnh: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch. Đây cũng chính là 3 lĩnh vực trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Vì vậy, Gia Lai và các bộ, ngành phải cùng tìm cách để khai thác các tiềm năng, lấy nguồn lực bên trong để phát triển. Đồng thời, phát huy tối đa yếu tố con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa lịch sử để phát triển, hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư - người dân và Nhà nước. Mặt khác, thu hút nguồn lực bên ngoài, phải dựa vào chính mình.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng bày tỏ trăn trở: Gia Lai chưa phát triển ngang với tiềm năng, cơ chế chính sách vẫn còn hạn hẹp, mâu thuẫn này phải được giải quyết. Cùng với đó, là cơ sở về hạ tầng chiến lược, kết nối hạ tầng chiến lược còn rất khó khăn, chỉ có đường 19 huyết mạch của tỉnh.
Gia Lai cần hành động quyết liệt hơn, chọn trọng tâm, trọng điểm. Các bộ ngành có quan tâm sâu sát với Gia Lai hơn. Đời sống đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, nhất là tinh thần, vật chất. Theo chuẩn mới về hộ nghèo còn cao. Đây là vấn đề chúng ta cần phải suy nghĩ để khắc phục. Ngoài ra, tỉnh Gia Lai quy hoạch còn chậm, an ninh chính trị ở một số địa bàn còn phức tạp...
Thủ tướng cũng chỉ đạo, tỉnh Gia Lai cần thực hiện được Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chương trình hành động 5 năm, chiến lược 10 năm và bám sát thực tiễn. Đặc biệt, quy hoạch, đầu tư công, không dàn trải, phải tập trung vào trọng tâm, trọng điểm. Phát huy kết quả đã đạt được, tỉnh Gia Lai cần nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt; tỉnh cần tiếp tục đổi mới về tư duy, tinh thần mạnh dạn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội.
Song song việc phát huy tinh thần đoàn kết, phân cấp, phân quyền, phân công rõ trách nhiệm; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy bản sắc, văn hóa để phát triển bền vững, để đến năm 2030 trở thành vùng kinh tế động lực Tây Nguyên.
Đối với xóa đói, giảm nghèo, tỉnh cần có một chương trình xóa đói riêng, có nguồn lực triển khai; mở rộng đối ngoại, xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao năng lực chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; phát triển hơn nữa hạ tầng chiến lược, tự tin vươn lên từ bàn tay, trí óc, từ khoảng trời, mảnh đất của mình.
Đối với các kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng giao Gia Lai nghiên cứu đầu tư đường cao tốc Gia Lai - Bình Định bằng hình thức kết hợp công tư. Gia Lai cần chủ động nguồn vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng. Trung ương sẽ tiếp tục kêu gọi, tìm kiếm các nhà đầu tư. Về nguồn vốn vay ODA, có điều kiện sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm cho Gia Lai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hỗ trợ Gia Lai. Đồng thời, tán thành công tác chuyển đổi rừng của Gia Lai, chú trọng đến hiệu quả trên đất cùng với việc bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên.