Tại Hội nghị, ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng lại là năm khởi sắc của kinh tế Gia Lai. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng 9,71% so với năm 2020; thu ngân sách nhà nước đạt gần 7.900 tỉ đồng, tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 70.000 tỉ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 là 1.480 triệu USD, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020.
Gia Lai có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 845.000 ha, tổng trữ lượng nước mặt khoảng 23 tỉ m3, nguồn nguyên liệu nông sản phong phú: cà phê, cao su, mía, chè... Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển 3 lĩnh vực thế mạnh: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch. “Đây cũng chính là 3 lĩnh vực trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng tới xây dựng và phát triển tỉnh Gia Lai trở thành trung tâm khu vực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại”, ông Võ Ngọc Thành nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia diễn đàn với chủ đề “Lợi thế và cơ hội đầu tư của tỉnh Gia Lai trong xu thế hội nhập và phát triển”; nghe tham luận về Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng; cùng nghe ý kiến, phát biểu của một số doanh nghiệp có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ: Chúng ta có những cái thuận lợi và có những cái không thuận lợi trong xây dựng nền kinh tế tự chủ, vì vậy cần phải tích cực chủ động hội nhập. Gia Lai có đất đỏ ba zan thuận lợi phát triển cây công nghiệp và hệ thống đường giao thông rất thuận lợi; đồng thời có nhiều tiềm năng và truyền thống lịch sử, có không gian văn hóa cồng chiêng. Từ đó, quy hoạch của Gia Lai phải tạo đột phá, tạo ra động lực mới trong phát triển hạ tầng (giao thông, kinh tế, văn hóa xã hội), tránh làm dàn trải manh mún, phải phát triển có trọng tâm, trọng điểm.
Thủ tướng cũng biểu dương những thành tựu của tỉnh Gia Lai trong cải cách hành chính và chỉ số cạnh tranh PCI không ngừng được cải thiện. Đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đổi mới công nghệ cao, phát triển công nghệ số. Chuyển đổi năng lượng sạch, năng lượng xanh. Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh…Bên cạnh phát triển kinh tế, Gia Lai cần phát triển thế mạnh nguồn lực thiên nhiên, nguồn lực truyền thống văn hóa, lịch sử…
Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư khai thác các tiềm năng, thế mạnh của Gia Lai với cách làm mới, công nghệ mới, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bảo đảm phát triển xanh, bền vững, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa doanh nghiệp, người dân và Nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành quan tâm giúp đỡ Gia Lai về mọi mặt với trách nhiệm cao nhất, đồng thời tỉnh Gia Lai phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, và những lợi thế của tỉnh.
Dịp này, UBND tỉnh Gia Lai đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án (tổng số vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng) và 29 dự án ( tổng số vốn đầu tư đăng ký 115.356 tỷ đồng) đã ký kết ghi nhớ đầu tư.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Gia Lai đã thu hút được 515 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 830.000 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần về số dự án và 36 lần tổng mức đầu tư so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, có 237 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký 65.900 tỷ đồng.
Riêng năm 2021, có 60 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 29.000 tỷ đồng, 172 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm, đề xuất với tổng số vốn đăng ký khoảng 67.000 tỷ đồng. Đến nay, nhiều tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đã có mặt tại tỉnh Gia Lai với các dự án đầu tư quy mô lớn.