Theo báo cáo, tỉnh Đắk Lắk có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước với 650.000 ha trong đó có hơn 300.000 ha đất đỏ bazan màu mỡ. Cùng với khí hậu ôn hòa, địa hình đất sản xuất nông nghiệp bằng phẳng, mật độ sông suối cao, hệ thống hồ chứa đứng thứ 2 cả nước với 615 hồ chứa và nguồn lao động dồi dào tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp.
Ngoài ra, Đắk Lắk còn có 735.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 170.000 ha đất lâm nghiệp được quy hoạch phát triển rừng sản xuất theo hướng thâm canh, có kết hợp sản xuất nông nghiệp; 72.000 ha rừng nghèo, nghèo kiệt thu hút đầu tư, thực hiện giải pháp cải tạo làm giàu rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp.
Đây là tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông lâm thủy sản theo chiều sâu, tập trung, quy mô lớn, tích hợp đa giá trị, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, của vùng và quốc gia, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết: Những năm qua, sản xuất nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đang tập trung theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường. Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh xác định tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn nông nghiệp với du lịch, nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kết nối công nghiệp chế biến với thị trường, từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp...
Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó, tỉnh quyết liệt cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Đắk Lắk đang từng bước khẳng định là điểm đến tin cậy và hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đánh giá cao kết quả mà Đắk Lắk đạt được trong bối cảnh nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP của Tỉnh năm 2021 đạt 5,1%, trong đó ngành Nông nghiệp tăng 4,49%; GRDP bình quân đầu người trên 49,98 triệu đồng, thu ngân sách trên 8.150 tỷ đồng; đến nay có 72 sản phẩm OCOP.
Trước bối cảnh và yêu cầu mới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: thời gian tới, Đắk Lắk cần chủ động chuyển đổi mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tạo dựng hệ sinh thái nông nghiệp gắn kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người nông dân, phát huy giá trị tài nguyên địa phương, văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào DTTS, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư.
Tỉnh và các doanh nghiệp, nhà đầu tư tăng cường kết nối khai thác tiềm năng lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, điều phối các hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn mang tính liên vùng, liên tỉnh; đẩy mạnh các quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm; tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; khai thác lợi thế, tiềm năng phát triển sản phẩm đặc sản kết nối với phát triển du lịch; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, khắc phục khó khăn, sớm đưa tỉnh Đắk Lắk trở thành tỉnh phát triển trong vùng Tây Nguyên.
Tại Hội nghị này, UBND tỉnh đã tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 1.000 tỷ đồng; trao 8 Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư với tổng giá trị cam kết đầu tư là trên 23.000 tỷ đồng và cũng giới thiệu đến toàn thể Hội nghị 109 danh mục các dự án thu hút đầu tư vào lĩnh nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản của tỉnh Đắk Lắk để các doanh nghiệp, nhà đầu tư biết, nghiên cứu và đến tìm hiểu đầu tư.