Cụ thể, sáng 15/4, trong tiết ôn tập tại lớp 1C, học sinh Lù Thị L quên nhiều kiến thức nên cô giáo Giàng Thị S (giáo viên chủ nhiệm lớp 1C) đã phải hướng dẫn nhiều lần. Do vậy, cô giáo Giàng Thị S đã nóng nảy, mất bình tĩnh, dùng thước kẻ tác động nhẹ lên đầu học sinh Lù Thị L.
Đến ngày 17/4, phát hiện mắt của em L có quầng thâm, cô giáo đã báo cáo nhà trường. Ngay khi nhận được thông tin, lãnh đạo nhà trường đã kiểm tra, nắm bắt tình hình sức khỏe; sau đó đưa em đi kiểm tra tại Trạm Y tế xã La Pán Tẩn. Kết quả thăm khám tại đây không rõ nguyên nhân.
Đến ngày 18/4, nhà trường đã gia đình chuyển em L lên Phòng khám Hà Nội, tại trung tâm huyện Mù Cang Chải để kiểm tra tại. Kết quả cho thấy, em bị dập phần mô mềm trên da đầu, dẫn đến tụ máu truyền sang mắt, không thấy tổn thương hộp sọ. Các y bác sỹ Phòng khám đã kê đơn thuốc cho em về uống. Cha mẹ em cũng xin nhà trường cho con về nhà để chăm sóc.
Ngày 19/4, sau khi nhận được thông tin, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải đã cử đoàn công tác phối hợp với UBND xã La Pán Tẩn, Công an xã xác minh, làm rõ sự việc. Sau đó, nhà trường cử cán bộ và cô giáo Giàng Thị S cùng gia đình tiếp tục đưa em L thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Trường Đức (thị xã Nghĩa Lộ). Kết quả cho thấy, em L bị phù nề phần mềm vùng trán, không bị chấn thương hộp sọ.
Nhà trường và cha mẹ học sinh đã thống nhất để em L điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trường Đức đến khi sức khỏe ổn định; đồng thời, bố trí người chăm sóc, chỗ ăn, ở cho phụ huynh của em đến khi ra viện.
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo Mù Cang Chải, sau khi xảy ra sự việc, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở La Pán Tẩn đã có quyết định đình chỉ giảng dạy đối với cô giáo Giàng Thị S để phục vụ xác minh sự việc và phối hợp với gia đình em L trong việc chăm sóc sức khỏe của em. Ngoài ra, trường yêu cầu, giáo viên Giàng Thị S viết bản tường trình, bản kiểm điểm. Dự kiến trong ngày 22/4, nhà trường sẽ tổ chức kiểm điểm, làm rõ sự việc và trách nhiệm của các cá nhân có liên quan để xử lý kỷ luật theo quy định.
Giáo viên đánh học sinh là giáo dục lệch lạc
Thống kê từ ngày 1/9/2021 đến đầu tháng 11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến hơn 2.000 học sinh. Bình quân cứ 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra một vụ việc. Nhiều vụ việc bạo lực học đường có tính chất nghiêm trọng và hậu quả đau lòng đã xảy ra vào năm 2023
Bạo lực đang diễn biến ngày càng trầm trọng hơn trong môi trường giáo dục, nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra gây ám ảnh dư luận. Qua một số vụ bạo lực học đường vừa qua, nhiều quan điểm cho rằng giáo viên đánh học sinh là giáo dục lệch lạc. Giáo viên mà không kiểm soát được cảm xúc trước thái độ ương bướng - vốn là đặc trưng của học trò - chứng tỏ thiếu kỹ năng sư phạm.
Trẻ em có quyền được bảo vệ thân thể trong bất cứ trường hợp nào, thế nhưng tại sao nhiều người vẫn không nhận thức đúng về điều này? Đồng ý rằng phải có các phương pháp giáo dục nghiêm khắc để uốn nắn học sinh, đặc biệt là những em hư, lỳ lợm, khó bảo. Nhưng dùng bạo lực để xâm phạm thân thể và nhân phẩm của các em là một chuyện khác, hoàn toàn phải bị lên án.
Hãy hiểu rằng, nghiêm khắc với bạo lực là hai phạm trù riêng rẽ, không hề đi đôi với nhau. Giáo viên là người lớn mà không kiểm soát được cảm xúc trước thái độ ương bướng - vốn là một trong nhiều đặc trưng của học trò độ tuổi này - chứng tỏ người thầy này chưa nắm rõ tâm sinh lý học sinh, thiếu kỹ năng sư phạm. Từ đó, họ gây nên hành vi sai cả về giáo dục lẫn pháp luật.
Đã dùng đến bạo lực, làm đau thể xác người khác thì chắc chắn người thực hiện đang bị kích động (có thể ở mức độ thấp) chứ tuyệt nhiên không ai ở trong trạng thái thực sự bình tĩnh hết. Vì theo logic, nếu bình tĩnh thực sự họ đã không áp dụng "biện pháp" đòn roi. Hãy ngưng "giáo dục hóa" chuyện bạo hành trẻ em lại.
Không có thứ yêu thương nào mà lại đánh đập khi ai đó phạm lỗi hết. Đánh chính là bạo hành - một hành vi vi phạm pháp luật. Những quan điểm rằng nghiêm khắc cần đi đôi với bạo lực, thì suy nghĩ này là vô cùng lệch lạc.
Học sinh cần phải được giáo dục bằng phương pháp mềm dẻo, linh hoạt và có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và phụ huynh. Sử dụng đòn roi và những lời lẽ thô tục để giáo dục học sinh là phản tác dụng, sẽ làm các em thêm căm ghét, thù hận và mất dần đi sự kính trọng đối với giáo viên.
Để không còn xảy ra tình trạng giáo viên sử dụng đòn roi và có lời nói thô tục đối với học sinh, trước hết mỗi giáo viên phải biết cách kiềm chế, tự tìm tòi biện pháp giáo dục tối ưu nhất, vừa nhẹ nhàng, vừa có tác dụng giáo dục mà không cần phải sử dụng đòn roi. Phải để môi trường giáo dục luôn là nơi thể hiện tình thầy trò một cách chân thành, kính trọng và thương yêu nhất; để các thế hệ học sinh được hình thành nhân cách đúng đắn; để khi các em trưởng thành luôn luôn lưu luyến, trân trọng tình cảm của thầy và trò khi xưa.