Ấm ức là bởi, nguyên nhân xảy ra tai nạn vẫn là một câu chuyện cũ, được nhắc đi nhắc lại bao nhiêu năm nay. Đó là: khai thác sai quy trình!
Đáng lẽ phải tạo đường vành đai để lao động cùng phương tiện máy móc khai thác từ trên xuống để bảo đảm an toàn. Nhưng không, vì lợi nhuận, để đỡ tốn chi phí, chủ sử dụng lao động lại bắt công nhân khai thác theo kiểu khoét “hàm ếch”, bóc đá từ chân núi lên.
Vì lẽ đó, núi đổ, đá sập là lẽ đương nhiên. Một nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động trong khai thác đá “xưa như trái đất” (!).
Ấm ức bởi một lẽ nữa, địa điểm xảy ra tai nạn không phải ở vùng xa xôi hẻo lánh, mà sát nách Thủ đô (mỏ đá của Công ty Cổ phần Xi măng Tiên Sơn thuộc địa bàn xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, Hà Nội).
Ở một nơi thừa thông tin, không thiếu kiến thức về pháp luật như thế này nhưng doanh nghiệp vẫn cho công nhân khai thác sai quy trình thì có quá khó hiểu không?
Có lẽ không!.
Chẳng có gì là khó hiểu bởi như chính nhiều chủ doanh nghiệp khai thác đá đã không ít lần thừa nhận: Khai thác đúng quy trình (tức là tạo đường xoáy trôn ốc để đưa máy móc lên trên đỉnh núi, sau đó mới tiến hành bóc đá từ trên cao xuống) thì chi phí đội lên rất nhiều, lấy đâu lãi nữa (!?).
Đây đâu phải lần đầu tai nạn mỏ đá xảy ra chỉ vì cái lý do nêu trên. Và không chỉ trong khai thác đá mà trong rất nhiều ngành nghề khác, tai nạn lao động cũng rất đáng báo động; trong đó nguyên nhân hàng đầu vẫn là sự thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp.
Thống kê từ Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, tai nạn lao động xảy ra hằng năm gia tăng cả về số vụ cũng như mức độ nghiêm trọng. Năm 2016, cả nước xảy ra gần 8.000 vụ tai nạn lao động làm chết hơn 860 người. Năm 2017, toàn quốc xảy ra 8.956 vụ, làm 928 người tử vong. Trong đó, lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng chiếm 9,2% tổng số vụ tai nạn lao động chết người và 8,8% tổng số người chết.
Lại nhớ, cách đây vài ngày, trong một vụ tai nạn giao thông ở Hải Phòng, một người phụ nữ có chức sắc, lái xe gây tai nạn cho một sinh viên. Bà này lớn tiếng: “Con người không quan trọng” (!?).
Hai sự việc khác nhau, nhưng cùng liên quan đến tính mạng con người. Phải chăng, chúng ta đang thờ ơ trước việc tính mạng con người bị đe dọa, dẫu đã được báo trước?
SỸ HÀO