Vài năm trở lại đây, nhiều lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm được mở tại nhiều bản, làng các xã trong huyện đã giúp việc sản xuất bài bản hơn. Tuy nhiên, vấn đề chị em cần nhất là thị trường tiêu thụ thì vẫn chưa thực sự được chính quyền quan tâm.
Chị Sầm Thị Hạnh ở xóm Đồng Huống, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) là một nghệ nhân dệt thổ cẩm giỏi có tiếng trong vùng. Nhiều năm qua, có những giai đoạn nghề dệt thổ cẩm bị “đứt đoạn”, chị em gác khung cửi lên sàn nhà cho nhện làm mảng thì nghệ nhân Hạnh vẫn cần mẫn đêm ngày lách cách thoi đưa.
Được thừa hưởng đôi bàn tay thêu, dệt khéo léo và óc sáng tạo giàu tính thẩm mỹ của bà ngoại và mẹ, nghệ nhân Sầm Thị Hạnh đã sáng tạo ra nhiều mẫu hoa văn, họa tiết rất bắt mắt hình hoa rừng, mặt trời, chim, hươu, nai… trên những tấm vải thổ cẩm.
Chị Hạnh cho biết, nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở xã Châu Quang bắt đầu được phục hồi từ cuối những năm 1999-2000, khi có Dự án của tổ chức Hòa bình và Phát triển Tây Ban Nha đầu tư, hỗ trợ kinh phí để chị em trồng dâu, nuôi tằm, đóng khung cửi, mua tơ, sợi, thuốc nhuộm vải thổ cẩm. Do nhiều chị em đã gác khung dệt từ nhiều năm nên không còn nhớ cách luồn thoi, phối sợi để tạo hoa văn trong quá trình dệt, chị Hạnh lại đến từng Tổ dệt hướng dẫn tỉ mỉ từng khâu, từng công đoạn dệt cho mỗi người.
Từ khi triển khai Dự án nói trên, hàng trăm chị em trong xã Châu Quang đã được đào tạo nghề và tạo điều kiện để phát triển nghề theo hướng sản xuất hàng hóa. “Nếu chăm chỉ dệt, mỗi chị em có thể sản xuất được 2-3 chân váy/tháng, với mức giá trung bình khoảng 1 triệu 500 nghìn đồng/chiếc cũng giúp chị em có thu nhập tương đối”, chị Hạnh cho biết.
Hiện, toàn xã Châu Quang có 600/1.600 hội viên Hội Phụ nữ có nghề tay trái là nghề dệt thổ cẩm, tập trung ở các xóm Đồng Huống, bản Bành, Na Xén ... Nhìn vào số lượng, đây là con số khá lớn, tuy nhiên, theo như chị Võ Thị Xuân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Châu Quang thì chị em vẫn sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu mã hoa văn còn đơn điệu, kỹ thuật đơn giản. Thị trường tiêu thụ chủ yếu mới ở chợ Đồng Nại trong xã, chứ chưa được mở rộng ra thị trương bên ngoài.
Còn tại xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, chị Vi Thị Quang, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã cho biết, từ những năm 2013-2014, xã Châu Cường đã được Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công tỉnh Nghệ An hỗ trợ đào tạo nghề và hỗ trợ 20 bộ khung dệt thổ cẩm trị giá 60 triệu đồng để duy trì và phát huy nghề truyền thống. Toàn xã có 50 hộ làm nghề dệt thổ cẩm nhưng vẫn chỉ dừng lại ở hộ gia đình. Hiện nay, trong xã có bản Nhang là bản duy nhất của huyện Quỳ Hợp đang được tỉnh xem xét công nhận làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra chỉ tiêu thụ quanh quẩn trong vùng, chưa có ai đứng ra bao tiêu sản phẩm.
Trước thực tế đó, mong muốn lớn nhất của chị em phụ nữ Quỳ Hợp là có đầu mối tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm ổn định để từ đó chị em có cơ sở để phát triển, mở rộng ngành nghề. Hiện tại, muốn mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm phải thông qua ký gửi, trưng bày tại các khách sạn, đại lý, các kỳ hội chợ triển lãm ở các thành phố, điểm du lịch… Tuy nhiên, bản thân những người thợ dệt rất khó có điều kiện, khả năng tự vận động đi tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm do chính mình làm ra. Do đó, việc này rất cần sự vào cuộc thực sự của Sở Công thương tỉnh Nghệ An cũng như các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
NGỌC ÁNH