Gắn bó tình thân
Theo Giáo cả Haji Jacky, Trưởng Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang, Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam ở An Giang gồm có ba giai đoạn, thể hiện qua ba nghi lễ chính (giai đoạn sinh, trưởng thành và khi tử). Giáo cả cho hay, cuộc đời mỗi con người đều phải gắn kết với một cộng đồng, một tộc người nào đó để xác định nguồn gốc của mình. Đối với cộng đồng Chăm An Giang phải trải qua Nghi lễ vòng đời.
Nghi lễ khi mới sinh, khi trẻ em người Chăm sau khi được sinh ra, lá nhau phải được rửa sạch và chôn ngay dưới chân cầu thang trước sân nhà (theo truyền thống người Chăm ở nhà sàn), việc này có ý nghĩa giúp đứa trẻ sau này dù có đi đâu vẫn nhớ nơi chôn nhau cắt rốn, nhớ gia đình tổ tiên để quay quê hương. Còn sản phụ phải nằm tại phòng có lửa để dưới gầm gường và tẩm thuốc gia truyền đúng 1 tuần. Sau đó bã thuốc và tro cùng mang chôn nơi chân cầu thang gần chỗ chôn nhau. Sau khi sinh được 7 ngày, người nhà làm lễ cắt tóc và đặt tên cho đứa trẻ, lễ này thường được Giáo cả thực hiện tại thánh đường.
Còn nghi lễ trong giai đoạn trưởng thành đối với nam thanh niên, sẽ có tục cắt da quy đầu (khotanh), phong tục này có liên quan đến quy định trong Giáo luật là làm tròn bổn phận của một tín đồ Islam và được thực hiện nơi linh thiêng, thường ở thánh đường. Đối với thiếu nữ thì sẽ có quy định thực hiện tục cấm cung (ga sâm) khi đến tuổi dậy thì, mục đích là để gia đình và bản thân thiếu nữ tự quản lý mình tốt hơn. Tuy nhiên, để phù hợp với sự tiến bộ của phụ nữ trong thời kỳ hiện nay, phụ nữ Chăm An Giang không còn khắc khe với nghi lễ này nữa.
Nghi thức cưới xin sẽ có lễ hỏi và lễ cưới. Lễ hỏi làm đơn giản và nhà trai sang nhà gái. Còn lễ cưới sẽ được tổ chức trong 2 ngày. Nhà trai phải đưa rể qua nhà gái để thực hiện nhiều nghi thức, sau đó ra về. Sau 3 ngày, họ hàng, cha mẹ chú rể cùng nhau đến thăm hai vợ chồng mới, đem theo đủ các thứ vật dụng cần dùng cho một gia đình. Nhà gái cũng làm một bữa tiệc để đãi nhà trai cùng một số bà con đến chứng kiến tài sản của nhà trai tặng cho vợ chồng mới.
Nghi lễ trong giai đoạn tử, đối với người Chăm Islam sự kết thúc dòng đời là quy luật, ít đau buồn và bi ai. Khi trong gia đình có người sắp chết, thì mọi người thân cùng đọc kinh cầu cho linh hồn người chết bình thản rời khỏi cõi đời. Sau khi chết sẽ được vệ sinh và khâm liệm bằng vải trắng, quấn 3 lớp theo nghi thức truyền thống dân tộc. Sẽ được chôn trong dòng 24 tiếng đồng hồ sau khi chết.
Người Chăm Islam ở An Giang chôn người chết, không có quan tài, mà đào nguyệt mộ chỉ vừa xác chết rồi dùng tấm ván giữ xác cho đúng tư thế và hướng đã được xác định trước, không được chôn theo quần áo hay bất kỳ vật gì, cuối cùng là lắp đất lại. Để đánh dấu phần mộ có đặt tấm bia ghi họ tên người chết, ngày, tháng, năm qua đời. Tất cả người thân về nhà thực hiện nghi thức cầu nguyện theo qui định là ngày thứ 7, 10, 40, 100 và đúng 1 năm kể từ lúc chết. Theo Giáo luật nghiêm cấm việc thờ cúng các di ảnh hay mẫu tượng, người Chăm Islam ở An Giang không làm bàn thờ để thờ cúng ông bà, tổ tiên, mà mỗi khi có món ngon cứ để trên nơi trang trọng và cầu nguyện.
Bà Trần Thị Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu cho biết: Với những giá trị tiêu biểu, chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa truyền thống đặc sắc, Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam ở tỉnh An Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 157/QĐ-BVHTTDL công bố đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia, không chỉ là gắn thu gọn trong phạm vi gia đình dòng tộc, mà còn chứa đựng những giá trị về văn hóa và lịch sử của một dân tộc.
Cố kết cộng đồng
Theo ông Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang, những năm qua, di sản văn hóa ngày càng chứng minh vai trò, là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần, môi trường nuôi dưỡng và làm giàu bản sắc văn hóa, đa dạng văn hóa.
Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, cũng chính là đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của Nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới. “Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam còn chứa đựng nhiều lớp văn hoá khác nhau.
Những yếu tố văn hoá nội sinh, ngoại sinh đã được tích hợp, tiếp biến trong suốt tiến trình lịch sử di cư đã hình thành nên sắc thái văn hoá riêng mang đậm tính chất địa phương, đã góp phần làm đa dạng và phong phú hoá những đặc trưng văn hoá và con người An Giang. Đặc trưng văn hoá này, thể hiện rõ nét nhất thông qua các nghi lễ vòng đời mà cộng đồng người Chăm gìn giữ và bảo tồn suốt thời gian qua. Nghi lễ không chỉ là mối thân tình trong gia đình, mà còn gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng của người Chăm và trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.”, ông Trạng khẳng định.
Còn Giáo cả Haji Jacky cho biết: Đây là niềm tự hào của cộng đồng người Chăm An Giang, qua đây giúp cho cộng đồng cùng nâng cao ý thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá dân tộc. Bên cạnh Nghi lễ vòng đời, thì Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Chăm cũng được công nhận di sản trong dịp này.
"Tôi và cộng đồng người Chăm rất biết ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ cho các DTTS có cơ hội và đủ nguồn lực phát huy và giữ gìn bản sắc văn hoá của mình. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục kêu gọi cộng đồng người Chăm làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của các di sản trên góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam", Giáo cả Haji Jacky chia sẻ.