Bài 1: Những con số đáng quan ngại
So với mặt bằng chung thì tuổi thọ, tầm vóc thể trạng của đồng bào các dân tộc rất ít người rất thấp. Không những vậy, với nhiều hủ tục trong hôn nhân, sinh đẻ,… đang tạo ra nguy cơ làm suy kiệt nòi giống ở cộng đồng các dân tộc rất ít người.
Những già làng trẻ tuổiBản Sì Thâu Chải-nơi sinh sống của 78 hộ, gần 300 nhân khẩu đồng bào Si La, nổi bật giữa núi rừng Kan Hồ (Mường Tè, Lai Châu) với những căn nhà xây, nhà gỗ kiên cố. Con đường bê tông cùng hệ thống điện lưới uốn lượn quanh bản làm cho Sì Thâu Chải mang dáng dấp phố giữa đại ngàn.
Ông Hù Chà Hù, Trưởng bản Sì Thâu Chải rất tâm đắc về sự phát triển kinh tế của Sì Thâu Chải khi bản chỉ còn 20/78 hộ thuộc diện nghèo (chuẩn nghèo đa chiều); một số gia đình còn vươn lên khá giả. Như gia đình chị Hồ Cố De vừa thoát nghèo năm 2017, nay đã biết vay thêm tiền ngân hàng để thu mua nông sản của bà con, cung cấp cho thương lái. Con trẻ cũng được ăn uống đầy đủ, được học hành đến nơi đến chốn.
Nhưng điều làm ông trăn trở là người Si La ở Sì Thâu Chải vẫn chưa cải thiện được chất lượng dân số. Không chỉ dân số ít mà tuổi thọ bình quân của người Si La ở Sì Thâu Chải cũng rất thấp. Như ông Hù Chờ Dù, dù mới 62 tuổi nhưng đã là một trong những người già nhất bản.
Không riêng gì bản Sì Thâu Chải mà ở bản Seo Hai (Mường Tè, Lai Châu) và bản Nậm Sin (Mường Nhé, Điện Biên)-ba điểm sinh sống tập trung của dân tộc Si La, rất nhiều người đã trở thành già làng khi tuổi đời còn khá trẻ. Như ở bản Nậm Sin, ông Lỳ Chà Chơ lên chức già làng khi vừa 57 tuổi, là người cao tuổi nhất bản.
Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS, dân tộc Si La cùng với 4 dân tộc rất ít người khác (Ơ-đu, Brâu, Rơ Mam, Pu Péo) có tuổi thọ bình quân thấp. Trong khi tuổi thọ bình quân chung tất cả 53 DTTS là 69,88 (tính theo năm) thì dân tộc Si La chỉ được 61,27, dân tộc Rơ Măm là 61,75, dân tộc Brâu là 67,42, dân tộc Ơ-đu là 67,53, dân tộc Pu Péo là 69,34.
Trái ngược với tuổi thọ bình quân thấp, tỷ suất tử vong thô (số người chết/1.000 dân) trong cộng đồng 5 dân tộc rất ít người lại rất cao. Trong khi tỷ lệ chết thô chung của 53 DTTS là 7,28 thì với dân tộc Si La là 8,56, dân tộc Ơ-đu là 8,09, dân tộc Rơ Măm là 7,74, dân tộc Pu Péo là 7,52; riêng tỷ lệ chết thô của dân tộc Brâu lại thấp hơn mức bình quân chung, với tỷ lệ 6,85.
Đáng chú ý, cộng đồng dân tộc Si La, Rơ Măm nằm trong nhóm có tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi cao nhất trong 53 DTTS. Cụ thể, nếu như dân tộc Mảng có tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi 87,11% thì tỷ lệ này ở dân tộc Si La là 66,25%, dân tộc Rơ Măm là 63,68%.
Dân số “nhích” từng bướcTuổi thọ bình quân thấp, tỷ suất tử vong thô (nhất là tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi) lại cao đang làm cho số dân của 5 dân tộc rất ít người gần như không có biến động. Mặc dù nhiều chính sách về y tế đã được triển khai, hơn nữa các dân tộc rất ít người được khuyến khích sinh con thứ 3, thế nhưng sự gia tăng dân số ở 5 dân tộc rất ít người chỉ nhích từng bước một.
Như dân tộc Rơ Măm, theo thống kê của tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh hiện có 532 nhân khẩu đồng bào dân tộc Rơ Măm, sinh sống tại xã Mô Rai (huyện Sa Thầy); trong đó tập trung ở Làng Le (xã Mô Rai) với 128 hộ/470 nhân khẩu. Trước đó, vào năm 2009, khi Tổng cục Thống kê thực hiện tổng điều tra dân số và nhà ở thì dân tộc Rơ Măm có 436 người.
Trước đó nữa, cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 1979, dân tộc Rơ Măm có 137 người; năm 1989 có 227 người; năm 1999 có 352 người. Vị chi, trong vòng gần 40 năm (1979-2018), dân tộc Rơ Măm chỉ tăng được 395 người, bình quân mỗi năm tăng chưa được 10 người.
Việc dân số “nhích” từng bước cũng xảy ra ở 4 dân tộc rất ít người còn lại. Đáng chú ý, với riêng cộng đồng dân tộc Si La lại đang có tình trạng suy giảm dân số đáng lo ngại.
Cụ thể, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 1979, dân tộc Si La có 404 người. Đến năm 1999, cộng đồng dân tộc Si La tăng lên thành 840 người. Nhưng từ đó, dân số của dân tộc Si La chững lại và bắt đầu suy giảm: từ 840 người năm 1999 giảm xuống còn 709 người năm 2009. Tại thời điểm này (2018) dù chưa có số liệu cụ thể nhưng ước tính dân số của dân tộc Si La vẫn chưa “cán mốc” 1.000 người ở cả hai tỉnh: Điện Biên và Lai Châu.
Một điểm đáng lưu ý là đồng bào dân tộc Si La rất… tuân thủ chính sách về dân số, kiên quyết không sinh con thứ 3 trở lên (dù được khuyến khích-Pv). Như chia sẻ của Trưởng bản Sì Thâu Chải, ông Hù Chà Hù, ông đi vận động bà con đẻ thêm để tăng dân số nhưng bà con bảo không muốn đẻ nhiều nữa vì đẻ nhiều rất khổ.
Kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS cũng cho đáp án tương tự. Cụ thể, cộng đồng dân tộc Si La chỉ có 3 phụ nữ (độ tuổi từ 15-49) sinh con thứ 3 trở lên, dân tộc Rơ Măm có 4 người, dân tộc Brâu có 1 người; riêng dân tộc Ơ-đu và Pu Péo không có phụ nữ nào sinh con thứ 3 trở lên.
Tuổi thọ bình quân thấp, tỷ suất tử vong thô cao cùng với việc kiên trì không sinh con thứ ba trở lên đã và đang khiến cộng đồng các dân tộc rất ít người rất khó thực hiện gia tăng dân số. Cùng với số lượng thì chất lượng dân số ở cộng đồng các dân tộc rất ít người cũng là vấn đề rất đáng lưu tâm. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh vấn đề này trong số báo tiếp theo.
SỸ HÀO