Cùng với sự phát triển chung của đất nước, ở khu vực vùng nông thôn, vùng DTTS và miền núi cũng nhanh chóng hòa nhập, trẻ em - nhóm đối tượng yếu thế phải đối diện và dễ bị ảnh hưởng nhất từ những vấn nạn của xã hội. Bên ngoài cổng trường có nhiều thứ hấp dẫn các em hơn là trang sách, vì thế các em dễ bị lôi cuốn mà không hiểu được mình bị bóc lột lao động; thậm chí lạm dụng tình dục.
Như ở thị xã Sa Pa (Lào Cai), theo thông tin của Phòng LĐTB&XH thị xã, giai đoạn 2015 - 2019, tại địa phương xảy ra 11 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 9 trẻ bị xâm hại tình dục, 1 trẻ bị mua bán và 1 trẻ bị chiếm đoạt. Địa bàn xảy ra chủ yếu tập trung ở thị trấn Sa Pa, nơi du lịch phát triển.
Chúng ta có hệ thống pháp lý khá toàn diện như Luật Lao động, Luật Trẻ em, Luật Giáo dục, các chính sách hỗ trợ cho các gia đình nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... Trong đó, nhiều điều khoản quy định cụ thể, rõ ràng nhằm bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều trẻ em phải lao động sớm và làm những công việc không phù hợp, nặng nhọc, thậm chí là lao động tạo ra thu nhập cho gia đình.
Thế nên, việc thay đổi nhận thức của các em, cũng như cha mẹ các em về pháp luật lao động trẻ em là một việc vô cùng quan trọng. Sẽ không có trẻ em nào bị bóc lột, xâm hại trong một cộng đồng hiểu biết. Và ngược lại, một đứa trẻ có kiến thức, ý thức về quyền lợi của mình sẽ tự tránh được các nguy cơ xấu cho bản thân.