Tuy nhiên, những năm gần đây, giá mủ cao su giảm sút quá nhanh và xuống thấp chạm đáy khiến người dân trồng cao su ở các địa bàn tại tỉnh Thanh Hóa lao đao. Nhiều người không còn đủ kiên nhẫn giữ lại hàng nghìn ha cao su để chờ giá lên theo chủ trương của chính quyền, bởi từ lâu sự chờ đợi của họ đã không làm nên cơm cháo gì.
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, tính đến đầu năm 2019, toàn tỉnh có trên 14.311ha cao su, trong đó hơn 2.900ha cao su đại điền, gần 11.400ha cao su tiểu điền. Diện tích này đã giảm 1.260ha so với năm 2018. Khu vực miền núi có diện tích cao su giảm mạnh nhất, gồm: Thạch Thành giảm 452,1ha, Như Xuân giảm 330ha, Như Thanh giảm 313,4ha, Thường Xuân giảm 125,5ha…
Đơn vị có diện tích cao su lớn nhất trên địa bàn tỉnh, là Công ty TNHH Một thành viên Cao su Thanh Hóa, hiện có 2.754,2ha cao su, trong đó hơn 16.200ha chưa đến tuổi thu hoạch, còn lại là diện tích đang trong thời kỳ thu hoạch mủ. Tuy nhiên, tính từ tháng 6/2017 đến nay, đã có gần 81ha cao su của đơn vị được chuyển đổi sang trồng mía, dứa và keo. Công ty cũng mới rà soát 230,47ha kém hiệu quả, hiện đã báo cáo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho ý kiến chặt bỏ để trồng cây trồng khác.
Tại các huyện miền núi Thọ Xuân, Như Xuân, Như Thanh…, vài năm gần đây người dân đã tự phát chặt bỏ hàng chục ha cao su; những hộ chấp hành chủ trương không chặt phá cao su nhưng bỏ mặc không chăm sóc.
Thời điểm này đang mùa cạo mủ cao su, thế nhưng khắp các rừng cao su ở huyện Như Xuân vẫn đìu hiu không bóng người. Ông Trương Hữu Thế, thôn Vân Bình, xã Cát Vân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) kể, gia đình ông trồng 1ha cao su từ năm 2011. Sau 8 năm, gia đình mới chỉ thu hoạch được 1 lần năm 2018.
“Cây cao su đến kỳ thu hoạch nhưng vì giá mủ quá thấp, có thu hoạch cũng không đủ ngày công nên tôi bỏ liều ở đó. Vì không được chăm bón nên chất lượng cây và mủ cũng không cao. Chúng tôi rất muốn phá để trồng cây khác nhưng không dám vì cao su dự án. Năm 2018, tôi thu hoạch lần đầu, chỉ được vài chục cân mủ, trong khi giá chỉ có 9000 đồng/kg mủ tươi. Làm thì vất vả mà không lời lãi gì nên thôi”, ông Thế buồn bã giãi bày.
Ông Thế đang dự tính, để không lãng phí đất, ông sẽ trồng thêm chè ở dưới tán cao su, để có thể vừa có thu nhập mà lại vẫn giữ được cao su.
Cùng nỗi niềm với ông Thế, bà Lê Thị Hoa cùng thôn cho biết, gia đình có 6ha cao su, cũng trồng 8 năm chưa được một đồng thu nhập. “Chúng tôi cứ hy vọng sẽ có lúc giá mủ cao su lên. Nếu bán được ở mức 18-20 nghìn đồng/kg mủ tươi là phấn khởi rồi. Nhưng năm nay giá vẫn quá thấp, không đủ công cạo mủ. Nếu diện tích đất đó, chúng tôi trồng keo, trồng sắn đã cho thu nhập tốt. Vì Nhà nước chủ trương không cho phép phá bỏ nên tôi vẫn để đó. Dù tiếc và xót của nhưng chúng tôi vẫn phải tìm kế sinh nhai nên thi thoảng mới tới chăm sóc cho cây”, bà Hoa nói
Được biết, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có văn bản gửi các địa phương, trong đó, Sở đề nghị các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, khuyến cáo về vai trò, hiệu quả lâu dài của cây công nghiệp; vận động người dân tiếp tục chăm sóc, bảo vệ diện tích cao su bảo đảm mật độ, sinh trưởng và phát triển tốt. Riêng với diện tích cao su trồng mới theo quy hoạch nhưng sinh trưởng kém, phải đánh giá nguyên nhân, đề xuất phương án cụ thể để chuyển đổi cây trồng khác trên cơ sở báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Chúng tôi cứ hy vọng sẽ có lúc giá mủ cao su lên. Nếu bán được ở mức 18-20 nghìn đồng/kg mủ tươi là phấn khởi rồi. Nhưng năm nay giá vẫn quá thấp, không đủ công cạo mủ. Nếu diện tích đất đó, chúng tôi trồng keo, trồng sắn đã cho thu nhập tốt. Vì Nhà nước chủ trương không cho phép phá bỏ nên tôi vẫn để đó...” Bà Lê Thị Hoa
QUỲNH CHI