Một số di sản văn hóa đã được ngành Văn hóa sưu tầm, phục dựng, tiêu biểu như: Bảo tồn, phục dựng, phát huy Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông huyện Phú Lương; Di sản hát ru của người Nùng Phàn Slình ở xóm La Đùm, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ; Nghi lễ Cầu an của người Tày ở xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai; Lễ tơ hồng của người Dao Lô Gang ở xóm Na Bả, xã Phương Giao, huyện Võ Nhai…
Đối với đồng bào Mông tại huyện Phú Lương, Lễ hội Gầu tào là lễ hội truyền thống tiêu biểu nhất được tổ chức vào đầu năm. Địa bàn được chọn tổ chức phục dựng tại xóm Na Sàng, xã Phú Đô, huyện Phú Lương. Đây là dịp để những người con dân tộc Mông của quê hương có dịp về hội tụ với gia đình, bản làng để dự hội, vui chơi. Địa điểm tổ chức Lễ hội Gầu Tào là một khu đất tương đối bằng phẳng, xung quanh được bao bọc bởi các dãy núi đá.
Phần lễ gồm nghi thức rước lễ từ gia chủ đến cây nêu. Lễ vật gồm 1 thủ lợn, 1 bát gạo và quả trứng, 3 chén rượu. Dẫn đầu đoàn rước lễ là Người uy tín trong cộng đồng, tiếp đến 1 người bê lễ và Nhân dân. Tại cây nêu sẽ diễn ra nghi thức cúng trang trọng để báo cáo với các vị thần về lý do tổ chức, bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn trời đất, cầu mong sơn thần, thổ địa phù hộ, độ trì ban cho bà con một năm mới khỏe mạnh, nhà nhà yên vui, mùa màng bội thu, ngô lúa đầy sàn, gia súc, gia cầm sinh sôi, phát triển.
Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian như: Ném còn, đánh pao, đánh quay, kéo co, đẩy gậy, thi ẩm thực của các xóm trên địa bàn xã và các tiết mục văn nghệ thổi khèn của người Mông.
Di sản Hát ru con là một trong những làn điệu dân ca trong kho tàng văn hóa của người Nùng của người Nùng Phàn Slình ở xóm La Đùm, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ. Lời ru được hát theo thể thơ năm chữ, cấu trúc âm ngữ như đồng dao. Những câu hát ru ngọt ngào được những người mẹ Nùng ru con có vần điệu như những vần thơ nhẹ nhàng, nhí nhảnh vui tươi, chứa nhiều giá trị giáo dục, nhân sinh sâu sắc.
Đối với Nghi lễ Cầu an (còn gọi là lễ Kỳ yên) thường được người Tày ở xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai tổ chức vào đầu năm. Người Tày quan niệm, khi làm lễ này sẽ được các đấng siêu nhiên, được những Pụt Luông (Phật lớn) và Đẳm (tổ tiên) phù trợ không ốm đau, bệnh tật, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
Trong thực hành Nghi lễ Cầu an của người Tày ở xã Nghinh Tường hiện nay, tùy hoàn cảnh và điều kiện kinh tế, mâm lễ có thể đơn giản hơn xưa, nhưng lễ vật không thể thiếu được là bánh dày và trầu cau. Bánh dày phải giã ngay từ lúc nóng, bánh mới dẻo, thơm. Lễ vật trầu, cau là biểu tượng văn hóa. Cây cau vươn cao biểu tượng của trời (dương). Vôi chất đá biểu tượng của đất (âm). Dây trầu mọc từ đất, quấn quýt thân cây cau, biểu tượng cho sự trung gian. Cộng đồng người Tày nơi đây dâng lên thần linh miếng trầu như một dạng thức mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc.
Đối với Lễ Tơ hồng của người Dao Lô Gang ở xóm Na Bả, xã Phương Giao, huyện Võ Nhai cũng là một trong những phong tục tốt đẹp của nhân dân nơi đây. Theo quan niệm xưa, việc cặp đôi trai, gái được nên vợ nên chồng là do ông Tơ, bà Nguyệt se duyên mà thành. Vì vậy, khi cả hai đã thực hiện các nghi thức ăn hỏi, cưới xin, thành vợ thành chồng, thì nhớ ơn người se duyên, làm một lễ nhỏ để khấn ông Tơ, bà Nguyệt phù hộ cho vợ chồng sống hạnh phúc, gia đình no ấm.
Thông qua Lễ Tơ hồng, người Dao Lô Gang muốn gửi gắm những giá trị tín ngưỡng, nhân văn sâu sắc, giáo dục con người làm điều thiện, biết yêu thương, chăm sóc lẫn nhau, tránh điều tà ác. Di sản lễ tơ hồng của người Dao lo gang diễn ra đã được ghi hình, quay phim, tư liệu hóa đưa vào hồ sơ theo quy định.
Trong năm 2004 này, ngành Văn hóa tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai, bảo tồn, phát huy các các di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS như mục tiêu của Dự án 6 Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2030 đã đề ra.