Dấu ấn về giảm nghèo
Tỉnh Thái Nguyên là địa phương có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, phần đông cư trú tại miền núi, vùng sâu vùng xa nên đời sống KT – XH gặp nhiều khó khăn. Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương về phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn, góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Tiếp nối những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn trước, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Ðặc biệt quan tâm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn...”.
Cùng với quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đồng bào vùng DTTS và miền núi của tỉnh đã chủ động, tích cực tham gia học tập, lao động sản xuất, nỗ lực vượt khó vươn lên. Nhờ đó, vùng “lõi” nghèo của tỉnh tiếp tục có những bước phát triển mới, đời sống của đồng bào vùng DTTS và miền núi của tỉnh tiếp tục được nâng lên, góp phần quan trọng thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT – XH của cả nhiệm kỳ.
Theo Báo cáo số 504 /BC-CTK ngày 6/5/2023 của Cục Thống kê tỉnh về một số kết quả nửa nhiệm kỳ đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn chung kinh tế của tỉnh trên đà phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì cao hơn so với bình quân chung cả nước. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2022, tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,55%/năm; trong 6 tháng đầu năm 2023 GRDP ước tăng 5,17%...
Đặc biệt, với kết quả giảm nghèo, nhất là giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX là sự tiếp nối về thành tựu giảm nghèo ấn tượng của Thái Nguyên từ giai đoạn trước. Trước đó, giai đoạn 2016 - 2020, nhờ thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) trong vùng DTTS và miền núi của giảm từ 19,22% năm 2016 xuống còn 3,95% vào cuối năm 2020.
Đặc biệt, nguồn lực từ các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách đã góp phần ổn định đời sống, từng bước nâng cao thu nhập của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Hiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của tỉnh là 4,587 triệu đồng/tháng, tính chung cả năm đạt 55 triệu đồng/người/năm, tăng 20,3% so với năm 2021 và tăng 20,5% so với năm 2020.
Theo ông Trần Quang, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên, với mức thu nhập và với mặt bằng giá cả hàng hóa, dịch vụ như hiện nay, bên cạnh các khoản chi phục vụ đời sống hàng ngày, nhiều hộ gia đình còn có tích luỹ, đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng nhà ở, mua sắm đồ dùng lâu bền, sử dụng điện, nước hợp vệ sinh và chi các khoản khác. Đặc biệt, kết quả giảm nghèo của tỉnh trong năm 2021, 2022 đều vượt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra. Hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025) là 4,35%, giảm 1,75% so với năm 2021; trong khi mục tiêu Đảng bộ tỉnh đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025 là giảm từ 1%/năm trở lên.
“Cú hích” từ Chương trình 1719
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đưa thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020, đồng thời giảm tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn nghèo đa chiều) DTTS bình quân từ 2% /năm trên tổng số hộ DTTS toàn tỉnh. Tỉnh cũng đặt mục tiêu giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; giảm 50% số thôn, xóm ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn;… Để hoàn thành mục tiêu này, một định hướng quan trọng của tỉnh là quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án thuộc Chương trình MTQG 1719.
Sau gần 03 năm triển khai, nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 đã góp phần làm thay đổi diện mạo các địa bàn khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đơn cử tại Võ Nhai - huyện khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên, hiện 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã; 15/15 xã, thị trấn có đường nhựa, bê tông đến trung tâm xã được cứng hóa; 151/153 xóm có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa (đạt 98,7%); trên 98% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia… Hay tại Đồng Hỷ - huyện có trên 50% dân số là đồng bào các DTTS, từ các chính sách của Trung ương và của tỉnh, hiện hệ thống hạ tầng cơ sở ở các bản, làng của huyện ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu đời sống và phát triển kinh tế của người dân.
Theo ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua, các chương trình, chính sách dân tộc đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch đúng mục đích, đối tượng. Đối với Chương trình MTQG 1719, từ khi triển khia đến nay, hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc đã kịp thời phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND các cấp phân bổ nguồn kinh phí được giao, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đảm bảo hoàn thành kế hoạch.
Cùng với nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719 từ ngân sách Trung ương, tỉnh Thái Nguyên đã ưu tiên bố trí ngân sách và huy động lồng ghép các nguồn lực để thực hiện chương trình; trong đó đặc biệt ưu tiên nguồn vốn cho hạ tầng phục vụ sản xuất, tăng các tiêu chí nông thôn mới, tránh dàn trải, lãng phí trong sử dụng vốn... Trong quá trình triển khai, tỉnh chú trọng ưu tiên các địa bàn “lõi nghèo”, vùng đặc biệt khó khăn nhất để tập trung đầu tư, tạo nền tảng để thúc đẩy giảm nghèo bền vững cho địa bàn này.