Động lực từ các mô hình giảm nghèo
Linh Thông là một xã miền núi vùng đặc biệt khó khăn nằm ở phía Bắc huyện Định Hóa, Thái Nguyên cách trung tâm huyện 17 km. Toàn xã có 740 hộ, với 3.117 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm 83,41%. Nhiều năm nay, Linh Thông vẫn nằm trong danh sách xã nghèo; giai đoạn 2021 – 2025, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, Linh Thông là một trong 3 xã khu vực III của huyện Định Hóa.
Để giúp Linh Thông "kéo gỉam" khoảng cách phát triển với các địa phương khác, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên, huyện Định Hóa đã ưu tiên bố trí vốn để xã triển khai các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - dân sinh, xã Linh Thông được tiếp cận các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho người dân tăng thu nhập. Cùng với nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Linh Thông đã phát triển các mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gia đình anh Ma Văn Hào từng là một hộ nghèo của xóm Bản Vèn, xã Linh Thông. Được hỗ trợ bò sinh sản từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của huyện, anh quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Năm 2016, được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Định Hóa, anh Hào đã đầu tư mở rộng mô hình nuôi bò sinh sản. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, kinh tế gia đình anh ngày càng vững vàng hơn. Từ một hộ nghèo, năm 2019 gia đình anh vươn lên cận nghèo, đến năm 2021 thì thoát nghèo.
Cũng như gia đình anh Ma Văn Hào, những năm qua, hàng trăm nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã vận dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo. Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, chỉ trong vòng 01 năm, toàn tỉnh đã có gần 10 nghìn hộ thoát nghèo. Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2021, toàn tỉnh có 36.798 hộ nghèo, đến cuối năm 2022 giảm xuống còn 26.869 hộ.
Giai đoạn 2022 – 2025, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu giảm 21.300 hộ nghèo, hộ cận nghèo (trong đó hộ nghèo là 13.200 hộ, hộ cận nghèo là 8.100 hộ) so với đầu kỳ. Riêng năm 2023, tỉnh phấn đấu giảm 4.711 hộ nghèo, hộ cận nghèo (trong đó hộ nghèo là 3.365 hộ và 1.346 hộ cận nghèo) theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Thái Nguyên chú trọng khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng của hộ nghèo, nhất là ở vùng đồng bào DTTS. Một trong những giải pháp được tỉnh Thái Nguyên quan tâm thực hiện là đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất. Trong cả giai đoạn, tỉnh phấn đấu hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất 60 mô hình dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh... nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Phát huy vai trò “đầu tàu” ở cơ sở
Với đồng bào DTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, những “đầu tàu” trong phong trào phát triển kinh tế ở cơ sở có vai trò rất quan trọng để kéo cả “đoàn tàu giảm nghèo”. Những tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi luôn có sức lan tỏa, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo ở hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.
Đơn cử tại xóm Cầu Trà, xã Yên Lãng (huyện Đại Từ), người dân nơi đây chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó cây chè là cây chủ lực, với tổng diện tích trồng chè toàn xóm là 27ha. Những năm trước, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chế biến còn hạn chế chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế chưa cao, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.
Nhận thức được phát triển kinh tế là yếu tố quan trong để thay đổi cuộc sống, gia đình bà Lục Thị Thọ, sinh năm 1967, dân tộc Nùng ở xóm Cầu Trà, xã Yên Lãng xác định cây chè là cây trồng thế mạnh. Bà Thọ đã mở rộng quy mô diện tích, vừa phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Nhờ đó, hiện sản lượng chè của gia đình bà Thọ đạt 6-7 tạ/vụ, đem lại nguồn thu khoảng 15-18 triệu đồng/tháng cho gia đình. Ngoài ra, gia đình bà còn phát triển thêm chăn nuôi, tăng thêm thu nhập.
Theo ông Lưu Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lãng, những tấm gương như bà Lục Thị Thọ đã lan tỏa phong trào thi đua phát triển kinh tế trên địa bàn xã. Nhờ đó, xã Yên Lãng đã có những bước đột phá quan trọng trên mọi lĩnh vực. Diện mạo nông thôn của Yên Lãng nay đã có thay đổi, cơ cấu kinh tế, sản xuất nông nghiệp chuyển biến rõ nét. Dự kiến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 50,86 triệu đồng/người; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 7,43%; tỷ lệ đường trục xã, liên xã, liên xóm, trục xóm được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%... Hiện Yên Lãng đã đủ điều kiện để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, là một trong 2 xã cuối cùng “về đích” nông thôn mới của huyện Đại Từ.
Bên cạnh những tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi thì đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS cũng là “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc khơi dậy ý chí thoát nghèo cho người dân. Ở những vùng “lõi nghèo” của tỉnh Thái Nguyên, Người có uy tín trong đồng bào DTTS chính là những “đầu tàu” trong phong trào giảm nghèo bền vững.
Bà Hoàng Thị Minh, Người có uy tín xóm Linh Sơn, xã khu vực III Linh Thông (huyện Định Hóa) là một ví dụ. Xóm Linh Sơn có 78 hộ, trong đó dân tộc Tày là 65 hộ (chiếm 86,7 %), còn lại là các dân tộc: Nùng, Sán chỉ, Kinh. Đầu năm 2022, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 – 2025, toàn xóm có 29 hộ nghèo (chiếm 35,37%), hộ cận nghèo là 25 hộ (chiếm 30,49%). Với vai trò là Người có uy tín của xóm, bà Minh đã cùng với cấp ủy chi bộ và Ban Công tác Mặt trận xóm tập trung vận động, tuyên truyền Nhân dân tham gia phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế gia đình. Nhờ đó, đến cuối năm 2022, toàn xóm giảm còn 17 hộ nghèo (chiếm 20,48%, giảm 14,89% so với đầu năm), còn 10 hộ cận nghèo (chiếm 12,05%; giảm 18,44% so với đầu năm).