Cải thiện lượng và chất
Khi tái lập huyện vào năm 2003, huyện Tây Giang chỉ có vài cơ sở giáo dục mầm non, nhưng đến nay đã có 7/10 xã trên địa bàn huyện có trường mầm non, mẫu giáo; hầu hết các thôn đã xóa thôn bản trắng về giáo dục mầm non. Cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học và vui chơi tại các điểm trường chính cấp học mầm non được đầu tư khá khang trang. Đội ngũ giáo viên có trên 90% là người địa phương nên rất thuận lợi trong việc giáo dục và chăm sóc trẻ ra lớp.
Ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, từ năm 2010, huyện phối hợp với một số trường đại học mở lớp giáo dục sư phạm mầm non cho 47 học sinh là người địa phương. Qua đào tạo sơ cấp và trung cấp, các giáo viên này đã tốt nghiệp đại học. "Ngành Giáo dục huyện cũng thường xuyên tổ chức đào tạo và đào tạo lại để nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giáo viên mầm non. Đến nay, đội ngũ giáo viên bậc mầm non-mẫu giáo trên địa bàn huyện tương đối đảm bảo. Cùng với việc huy động nguồn lực tại chỗ, huyện đã vận động và được các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất tại điểm trường mầm non các thôn Kanoonh 1, Kanoonh 2, Kanoonh 3 xã A Xan và Trường Mẫu giáo xã Dang”, ông Arất Blúi nói.
Cần tiếp tục quan tâm
Nghị quyết 142/2009/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Nam (khóa VII) đã tạo được chuyển biến tích cực trong giáo dục mầm non ở huyện Tây Giang nói riêng, các địa phương miền núi Quảng Nam nói chung. Tuy nhiên, do những hạn chế, bất cập trong việc triển khai nghị quyết và điều kiện kinh tế-xã hội của huyện nghèo vùng cao biên giới nên giáo dục mầm non ở Tây Giang vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Giang cho biết: “Cơ sở vật chất các lớp mẫu giáo ở thôn đều tạm bợ, nhiều xã tuy có trường mầm non nhưng phòng học không đảm bảo yêu cầu; thiếu phòng chức năng, phòng hành chính, đồ dùng dạy học, đồ dùng ngoài trời... Điểm trường thực hiện loại hình lớp ghép 2, 3 độ tuổi, chiếm 51% tổng số lớp học mầm non trên địa bàn. Giáo viên mầm non hợp đồng ở các huyện miền núi còn nhiều; trong khi đó, giáo viên nuôi dạy ở các lớp ghép mầm non không được hưởng chế độ như giáo viên dạy các lớp ghép cấp tiểu học nên các cô chưa yên tâm công tác”.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, cần ưu tiên tuyển dụng giáo viên bậc mầm non miền núi, giải quyết thỏa đáng chế độ cho giáo viên mầm non dạy các lớp ghép; đồng thời duy trì hỗ trợ con em đồng bào DTTS trong độ tuổi ra lớp.
Ông Arất Blúi kiến nghị: “HĐND, UBND tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo cần xem xét có cơ chế hỗ trợ để miền núi nói chung, huyện Tây Giang nói riêng tiếp tục đầu tư phát triển cấp học mầm non trên địa bàn huyện. Cần ưu tiên kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, xóa phòng học tạm, lớp ghép, tăng cường nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu dạy và học mầm non ở miền núi. Cần hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống của đồng bào vùng cao. Có như vậy mới cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn huyện”.
LÊ PHƯỚC LAN NHI