Về thôn Làng Hà, xã Hồ Sơn, nơi có 75% người dân là đồng bào dân tộc Sán Dìu, chúng tôi cảm nhận rõ sự “thay da, đổi thịt” của người dân nơi đây. Bí thư Chi bộ thôn Làng Hà Đào Thị Huệ phấn khởi nói với chúng tôi, so với trước đây, Làng Hà thay đổi khá nhiều. Minh chứng điều đó, chị Huệ đưa chúng tôi tham quan những cánh đồng rau sau su xanh mướt của thôn.
Chị Huệ chia sẻ, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đã khích lệ Nhân dân tích cực phát triển kinh tế gia đình. Thay vì thói quen canh tác cũ như trồng lúa thì nay các hộ dân trong thôn chuyển sang mô hình trồng rau su, kết hợp chăn nuôi; một số lao động đi làm tại các công ty, cho thu nhập ổn định.
Cùng với công tác tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân phát triển sản xuất, hằng năm, Chi bộ, Ban Công tác mặt trận thôn Làng Hà rà soát các hộ nghèo, cận nghèo để giúp đỡ, tạo điều kiện giúp đỡ các hộ được tiếp cận vay vốn.
Chi bộ phân công các đảng viên phụ trách các tổ liên gia phối hợp với Chi hội phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Chi hội nông dân thường xuyên nắm bắt, vận động, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn bằng tiền, ngày công, con giống… để phát triển sản xuất. Nhiều gia đình mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa những cây, con giống có năng suất cao vào sản xuất và vươn lên thoát nghèo. Năm 2021, số hộ nghèo của thôn đã giảm còn 12 hộ, 10 hộ cận nghèo, cơ bản không còn hộ tái nghèo.
Là xã miền núi của huyện Tam Đảo, xã Bồ Lý có trên 2.100 hộ dân, với 8 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Sán Dìu chiếm hơn 20%. Để thực hiện công tác dân vận trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, cấp ủy đảng, chính quyền xã Bồ Lý thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, đẩy mạnh tác tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân áp dụng các mô hình phát triển kinh tế như mô hình trồng cây na dai; câu lạc bộ chăn nuôi bò sữa, trồng cây dược liệu…
Xã phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Đảo thành lập 29 Tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ cho vay đến nay đạt trên 76 tỷ đồng. Cùng với các chương trình hỗ trợ vay vốn, người dân địa phương có nhiều thay đổi trong tư duy sản xuất, nhanh chóng tiếp cận áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ dân cũng đã nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống.
Để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Tam Đảo đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tập trung làm tốt công tác dân vận và phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm khơi dậy sức mạnh đoàn kết, ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người dân và đồng bào các dân tộc thiểu số.
Toàn huyện xây dựng, nhân rộng 27 mô hình dân vận khéo trong lĩnh vực kinh tế, từ đó, tạo sự lan tỏa, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia.
Điển hình như Hội CCB với phong trào phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo làm giàu chính đáng; Hội Nông dân lồng ghép phong trào “dân vận khéo” với phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo; Đoàn thanh niên huyện đẩy mạnh phong trào thanh niên thi đua lập thân, lập nghiệp, lao động sáng tạo, vươn lên làm giàu chính đáng...
Kết quả trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, công tác giảm nghèo ở huyện Tam Đảo. Đến nay, kinh tế của huyện luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nhiều mô hình sản xuất có giá trị hiệu quả kinh tế cao. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 2,32%./.