Các Chương trình MTQG thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương miền núi tỉnh Sơn La theo hướng bền vững. (Trong ảnh: Một góc bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, huyện Phù Yên. Ảnh: Khải Hoàn)Phát huy hiệu quả các Chương trình MTQG
Xác định nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giữ vai trò quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là nâng cao đời sống cho người dân, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện.
Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn ngân sách Trung ương giao cho tỉnh Sơn La để thực hiện 3 chương trình MTQG là hơn 4.320 tỷ đồng.
Các Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có tác động tích cực đến đối tượng là người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù…
Tính đến tháng 3/2025, nguồn vốn từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) đã hỗ trợ đất ở, xây dựng và cải tạo nhà cho 640 hộ dân; xây dựng 85 công trình cấp nước tập trung phục vụ hơn 8.200 hộ; xây dựng và cải tạo hơn 160 công trình giao thông nông thôn; 190 nhà sinh hoạt cộng đồng...
Kinh phí Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ xây dựng trên 50 công trình hạ tầng các loại; duy tu bảo dưỡng gần 90 công trình. Kết nối việc làm và chuyển đổi ngành nghề cho hơn 70.600 lao động; hỗ trợ đào tạo nghề cho trên 7.800 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ ở vùng khó khăn.
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều năm 2024 giảm còn khoảng 19,23%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch ước đạt 42%; tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa ước đạt 98,53%; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện an toàn ước đạt 96,9%; 100% người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế.
Người dân xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu được hỗ trợ phân bón, kỹ thuật trồng, phát triển thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Trần LongChú trọng nâng cao thu nhập cho người dân
Là 1 trong 2 huyện nghèo của tỉnh Sơn La, đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Thuận Châu còn 18,1%, hộ cận nghèo còn 9,7%. Cùng với chú trọng tuyên truyền, vận động Nhân dân tự lực vươn lên, huyện Thuận Châu đã triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất theo các Chương trình MTQG, giúp Nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Để nguồn vốn đầu tư đạt hiệu quả cao nhất, UBND huyện Thuận Châu đã ban hành các kế hoạch, thông báo đến các xã và người dân thuộc đối tượng được hưởng lợi đăng ký nhu cầu hỗ trợ, từ đó, phân bổ vốn cho các cơ quan, đơn vị thực hiện các dự án, tiểu dự án về hỗ trợ sản xuất.
Năm 2024, qua rà soát nhu cầu của người dân tại các xã, bản, toàn huyện có 38 dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản, với tổng số bò dự kiến hỗ trợ là 3.800 con. Trong đó, Chương trình MTQG 1719 có 24 dự án, triển khai ở 13 xã, số bò dự kiến hỗ trợ 2.000 con; Chương trình giảm nghèo bền vững có 14 dự án thực hiện ở 14 xã, số bò dự kiến hỗ trợ 1.800 con.
Sau khi phê duyệt dự án và hoàn thiện các thủ tục, huyện đã hỗ trợ gần 1.800 con bò giống cho các cộng đồng, với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Cụ thể, Chương trình MTQG 1719 đã có 6/24 dự án của 8 xã được triển khai thực hiện, với 874 con bò giống hỗ trợ cho bà con. Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, có 9/14 dự án của 9 xã đã được triển khai thực hiện, với 921 con bò hỗ trợ. Song song công tác hỗ trợ, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi cho Nhân dân.
Ông Cà Văn Tương, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Song, xã Chiềng La, cho biết: Bản có 93 hộ, chủ yếu 2 dân tộc Thái và La Ha cùng sinh sống. Tháng 2 vừa qua, 50 hộ dân tộc La Ha đã được Nhà nước hỗ trợ 50 con bò giống, bà con rất phấn khởi, tích cực chăm sóc vật nuôi phát triển tốt để cải thiện cuộc sống.
Tại Quỳnh Nhai, từ năm 2021 đến nay, huyện đã triển khai 10 dự án của Chương trình MTQG 1719, với tổng vốn giao trên 187,3 tỷ đồng, đã giải ngân gần 157,6 tỷ đồng, triển khai các mô hình chăn nuôi; trồng cà phê; trồng dược liệu; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ thiết chế văn hóa, xây dựng các đội văn nghệ, câu lạc bộ giữ gìn bản sắc dân tộc tại các xã vùng khó khăn…
Năm 2025, huyện Quỳnh Nhai được giao tổng nguồn vốn đầu tư và vốn sự nghiệp hơn 100 tỷ đồng. Huyện đã tập trung triển khai các dự án chuyển nguồn từ năm 2024 và hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi, đa dạng hóa sinh kế, cải thiện dinh dưỡng, đào tạo nghề, truyền thông về giảm nghèo đa chiều, xây dựng hạ tầng nông thôn... Hiện nay, tỷ lệ giải ngân Chương trình MTQG 1719 đạt 40,56%; Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 36,84%.
Ngoài ra, huyện tập trung nguồn lực các chương trình, dự án thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ người dân có thêm vốn sản xuất. Các hộ vay vốn chủ yếu đầu tư nuôi gia súc, cá lồng, trồng cây ăn quả và dược liệu. Đơn cử, gia đình anh Tòng Văn Thẩn, bản Khoang, xã Pá Ma Pha Khinh trước đây thuộc diện hộ nghèo. Năm 2021, gia đình anh được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua 4 con bò sinh sản. Cùng với đó, gia đình anh trồng gần 1ha ngô lấy nguồn thức ăn nuôi 6 con dê, 2 con lợn nái.
“Sau 3 năm, đàn bò của gia đình tăng lên 8 con. Nhờ có nguồn vốn vay, năm 2024, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo, có nhà ở khang trang và có tiền chăm lo cho 2 con ăn học”, anh Thẩn chia sẻ.
Bằng nhiều giải pháp, lồng ghép các chương trình, dự án, huy động nhiều nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện và trình độ canh tác của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh Sơn La giảm từ 21,66% năm 2021 xuống còn 11,11% vào cuối năm 2024; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 21,34% năm 2021 xuống còn 10,9% vào cuối năm 2024.