Các Dự án, Tiểu Dự án của Chương trình MTQG 1719 đã và đang tạo sinh kế, hướng tới xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS và miền núi (Ảnh minh họa).Đầu tư toàn diện, hiệu quả

Tôi may mắn được Nhà nước hỗ trợ, xây dựng căn nhà mới để ở. Bây giờ yên tâm, không lo mưa nắng nữa. Sắp tới, tôi sẽ vay vốn ngân hàng để chăn nuôi, phát triển kinh tế, hướng tới xóa đói giảm nghèo”.
Bà Nguyễn Thị Đạithôn Ngọc Đường, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang
Ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, gia đình anh Lù Seo Sính ở thôn Ngọc Hà, xã Ngọc Linh được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình MTQG 1719 để mua 1 con trâu cái. Anh Sính cho biết: “Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, tôi sẽ cố gắng, chăm chỉ lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo”.
Cùng ở xã Ngọc Linh, gia đình bà Nguyễn Thị Đại, ở thôn Ngọc Đường đã được địa phương hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn vốn 3 Chương trình MTQG để xây dựng căn nhà mới với diện tích 52m2, khang trang và đảm bảo “3 cứng”.
Bà Đại vui mừng: “Tôi may mắn được Nhà nước hỗ trợ, xây dựng căn nhà mới để ở. Bây giờ yên tâm, không lo mưa nắng nữa. Sắp tới, tôi sẽ vay vốn ngân hàng để chăn nuôi, phát triển kinh tế, hướng tới xóa đói giảm nghèo”.
Tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, qua 4 năm triển khai Chương trình MTQG 1719, địa phương này đã đạt được những “trái ngọt” khi diện mạo vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển. Từ khi triển khai Chương trình MTQG 1719, huyện Krông Nô luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu tỉnh Đắk Nông trong việc giải ngân vốn hiệu quả. Nhờ đó, Krông Nô đã có sự thay đổi rõ rệt về đời sống, kinh tế, hạ tầng giao thông nông thôn, giúp diện mạo địa phương ngày càng thay đổi tích cực, đời sống Nhân dân từng bước được nâng cao.
Còn với tỉnh Đắk Lắk, báo cáo 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 (2022 - 2025) của tỉnh cho thấy, đến nay, tỉnh đã hỗ trợ đất ở cho 40 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 1.009 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 11.971 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề, mua sắm máy móc nông cụ cho 139 hộ.
Công trình kiên cố hóa kênh mương thủy lợi buôn Juk (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 giúp nâng cao năng suất lúa cho người dân (Ảnh minh họa).Tỉnh đã đầu tư xây dựng 2 công trình nước sinh hoạt tập trung; hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 2 dự án ổn định, sắp xếp dân cư tại huyện Krông Bông và huyện Ea Súp; đầu tư, nâng cấp 102 công trình cơ sở hạ tầng; duy tu, bảo dưỡng 395 công trình cơ sở hạ tầng trong vùng đồng bào DTTS và miền núi… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh từ 26,74% (năm 2021) xuống còn 13,71% (năm 2024).
Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS
Báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Chương trình MTQG 1719 được triển khai trên địa bàn 2.063 thôn, tổ dân phố của 192 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS của tỉnh. Qua triển khai thực hiện, Chương trình đã tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh nói chung và đối với các xã khu vực III, khu vực II, các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS nói riêng. Với tốc độ giảm nghèo bình quân 4%, trong đó huyện nghèo giảm 6%/năm, dự báo đến cuối năm 2025, toàn tỉnh Hà Giang dự kiến giảm được trên 38.625 hộ nghèo đa chiều.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình MTQG 1719 tại một số địa phương hiện vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc tại một số dự án, tiểu dự án. Nhưng với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, lãnh đạo các địa phương đang nỗ lực, phấn đấu với quyết tâm chính trị cao nhất hoàn thành các nội dung của Chương trình MTQG 1719.
Theo chia sẻ của ông Ngô Xuân Hà - Chủ tịch UBND huyện Krông Nô: Huyện xác định Chương trình MTQG 1719 là chương trình lớn nhất từ trước đến nay dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, kỳ vọng sẽ làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, tạo nền tảng vững chắc cho xây dựng nông thôn mới.
Nhiều công trình đã được đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.“Huyện Krông Nô sẽ quyết tâm, tích cực triển khai thực hiện, phấn đấu đạt kết quả tốt nhất có thể, trên tinh thần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung đã rõ, đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, sớm để chính sách đến với người dân. Mặt khác, chủ động nắm bắt, kịp thời tháo gỡ trong phạm vi thẩm quyền hoặc kiến nghị đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ phù hợp với tình hình nếu thật sự cần thiết” - ông Ngô Xuân Hà khẳng định.
Còn theo thông tin từ UBND tỉnh Đắk Lắk, mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 là giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS còn 3,5%/năm; phấn đấu có 260 thôn, buôn và 26 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; từ năm 2025 đến 2030, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS 3 - 4%/năm; tỷ lệ số thôn, buôn và số xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn là 50%.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Đắk Lắk xác định một số giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS về Chương trình 1719, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của đồng bào DTTS; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu tổ chức thực hiện Chương trình 1719 ở các cấp, nhất là cấp cơ sở; tập trung triển khai Chương trình MTQG 1719 một cách quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng dàn trải, các biểu hiện tiêu cực, thất thoát, lãng phí...