Du khách trải nghiệm bơi mảng nghe hát Then trên hồ Nà NưaCộng đồng chung tay làm du lịch
Sơn Dương có tiềm năng lớn về phát triển du lịch lịch sử, du lịch văn hoá, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái. Toàn huyện có 237 điểm di tích, trong đó có 49 di tích cấp quốc gia, 88 di tích cấp tỉnh; đặc biệt có Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào.
Bên cạnh thế mạnh du lịch lịch sử, du lịch văn hoá, điều kiện tự nhiên của Sơn Dương còn có nhiều tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái. Với hệ thực vật phong phú, nguồn nước dồi dào tạo nên những cảnh quan thiên nhiên độc đáo như thác Đát xã Hợp Hoà, thác Đồng Bừa, thác Cao Ngỗi xã Đông Lợi, thác Đồng Đài xã Hợp Thành… Trên địa bàn huyện có hệ thống đình, đền, chùa với những sinh hoạt tín ngưỡng phong phú, đa dạng rất phù hợp cho phát triển du lịch tâm linh. Sơn Dương còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 di sản văn hóa phi vật thể gồm: hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu, hát Sình ca của người Cao Lan, nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ, Lễ hội Đình Thọ Vực xã Hồng Lạc và Lễ hội Đình Hồng Thái xã Tân Trào đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ngay sau khi Nghị quyết 29 được ban hành, Huyện ủy Sơn Dương đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch, chương trình hành động và chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Các mục tiêu về phát triển du lịch được lồng ghép vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm.
Nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của huyện được nâng lên. Công tác tuyên truyền về du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng được chú trọng và nâng cao. Năm qua, Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện đã xây dựng được 798 tin, bài trên sóng phát thanh; đăng tải 47 video, 490 tin, bài, phóng sự trên Trang thông tin điện tử huyện. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở được 4.232 buổi, tuyên truyền qua các buổi hội họp thôn, tổ dân phố, sinh hoạt các câu lạc bộ văn hóa cơ sở…; vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và Nhân dân tự giác, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự để thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.
Huyện đã tập trung đầu tư, tôn tạo các điểm di tích, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối khu, điểm du lịch… Tổng vốn đầu tư cho du lịch giai đoạn 2021–2023 đạt trên 270 tỷ đồng, trong đó hơn 160 tỷ đồng từ xã hội hóa.
Flamingo Heritage Tân Trào được lựa chọn làm nơi tổ chức Lễ khai mạc Năm Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2025Với sự chủ động, Sơn Dương đã phối hợp với Ban Quản lý các khu du lịch trong tỉnh hình thành tour du lịch: Tour Leo Núi Hồng, thôn Tân Lập, xã Tân Trào; tham quan các điểm cảnh quan như: Suối Khuôn Pén, rừng đặc dụng Tân Trào, hồ Nà Nưa gắn với du lịch cắm trại, dã ngoại. Từ năm 2021 đến năm 2024, huyện đã thu hút được 3.422.250 lượt khách tham quan cả trong nước và quốc tế, doanh thu xã hội từ du lịch 3.682,32 tỷ đồng.
Tạo sinh kế bền vững cho người dân
Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc về thực hiện công tác phát triển du lịch, tiến độ thực hiện kế hoạch phát triển du lịch hằng năm và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng mừng. Hiện toàn huyện có 59 cơ sở lưu trú (trong đó 41 nhà nghỉ; 18 homestay),127 nhà hàng, quán ăn.
Huyện có 78 sản phẩm được quản lý nhãn hiệu, có mã số, mã vạch; có một số sản phẩm mang đặc trưng riêng của huyện như: Tinh bột nghệ Tiến Phát, chè Vĩnh Tân, chè Trung Long, chè Long Đài, gạo đặc sản Tân Trào, đường kính Sơn Dương, nấm sò Bình Yên, mật ong Tân Trào, mật ong Vân Sơn, mật ong Văn Phú, bột sắn dây Thục Sơn,... Trong đó 53 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Huyện cũng tiếp tục duy trì hoạt động của 8 Làng nghề chè trên địa bàn huyện.
Homestay của gia đình bà Ma Thị Bản, dân tộc Tày ở thôn Tân Lập là địa điểm thường xuyên đón khách du lịch. Ngoài cung cấp chỗ ở, dịch vụ ăn uống gia đình bà Bản còn dẫn khách tham quan, tìm hiểu nét kiến trúc nhà sàn, phong tục, tập quán, nét văn hóa của đồng bào Tày. Du khách được trải nghiệm với gia đình những hoạt động như xay lúa, giã gạo, cày ruộng, bắt cá, trồng cây nông nghiệp... và chế biến, thưởng thức các sản phẩm do mình thu hoạch.
Bà Ma Thị Bản chia sẻ: “Hôm qua vừa có một đoàn gồm 20 người, hôm nay thêm một đoàn 10 người nữa. Gia đình luôn phục vụ chu đáo từ dịch vụ ăn uống, trải nghiệm các hoạt động. Trước đây, khách đến Tân Trào chỉ tham quan di tích rồi về ngay, nhưng giờ có thể ở lại qua đêm, cùng ăn uống, giao lưu văn hóa với bà con. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác tăng lên đáng kể”.
Đến với Khu du lịch Tân Trào, du khách không chỉ được hòa mình vào không khí thiên nhiên trong lành, tham quan các di tích lịch sử nổi tiếng, mà còn được trải nghiệm các sản phẩm du lịch mới vô cùng hấp dẫn tại vùng đất này. Tại xã Tân Trào hiện có 18 homestay mang bản sắc nhà sàn của đồng bào Tày đang hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo du khách tham gia.
Đồng chí Hà Hữu Tiệp, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào chia sẻ, phát huy vai trò cộng đồng làm du lịch, người dân nơi đây góp phần phát triển du lịch địa phương, tham gia nhiều tua du lịch trải nghiệm, tua du lịch ấn tượng, tạo dấu ấn đặc trưng như: Trải nghiệm bơi mảng, nghe hát Then trên hồ Nà Nưa, trải nghiệm ngâm chân lá thuốc dân tộc tại Làng văn hóa Tân Lập, trải nghiệm làm cơm lam, xôi ngũ sắc tại Làng văn hóa Tân Lập, trải nghiệm tại Làng nghề chè Vĩnh Tân… Đặc biệt, gần đây địa phương tổ chức tua du lịch trải nghiệm đám cưới người Tày, ăn cỗ đám cưới người Tày ở làng Tân Lập. Đây là sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến tìm hiểu văn hóa bản địa.
Du lịch cộng đồng đang mở ra hướng đi bền vững cho sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Sơn Dương. Thông qua việc khai thác nét văn hóa đặc sắc, ẩm thực truyền thống và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, người dân không chỉ giữ gìn bản sắc mà còn tạo ra nguồn thu nhập ổn định. Nhờ đó, nhiều người trẻ không còn rời bản đi làm ăn xa, mà quay về dựng nhà, giữ nghề và làm du lịch. Đây không chỉ là giải pháp phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo tồn văn hóa bền vững và gắn kết cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Sơn Dương.