Ông Trương Minh Quyền với các thành viên Câu lạc bộ Bảo tồn bản sắc dân tộc Sán Dìu ở Hội TânBà Hà Thị Hồng Liên - Trưởng phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin huyện Sơn Dương chia sẻ, trong những năm qua, Phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin huyện Sơn Dương đã tích cực thúc đẩy gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa dân gian của cộng đồng các dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” luôn được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm và nhận được sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân.
Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, lớp trẻ đã có lúc thờ ơ với văn hoá truyền thống. Ở Sơn Dương, đã từng có thời điểm tiếng Sán Dìu thưa vắng dần, những làn điệu Soọng cô từng vang vọng núi rừng chỉ còn le lói trong ký ức người già.
Trăn trở trước thực trạng ấy, được Lãnh đạo Phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin huyện Sơn Dương động viên, ủng hộ, năm 2015, ông Trương Minh Quyền (sinh năm 1963), cùng một nhóm bạn ở thôn Hội Tân, xã Ninh Lai quyết định thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn bản sắc dân tộc Sán Dìu.
Những ngày đầu, Câu lạc bộ chỉ có 12 thành viên, phần lớn là người cao tuổi. Khi nhắc đến hát Soọng cô, lớp trẻ không mấy “mặn mà” vì cho rằng đó là những giai điệu cũ kỹ, không còn hợp thời.
Không nản lòng, ông kiên trì đến từng nhà, thuyết phục từng người bằng sự chân thành và tình yêu sâu sắc dành cho văn hóa dân tộc. Ban đầu, người dân còn ngại ngần, nhưng rồi chính sự nhiệt huyết của ông đã khiến họ thay đổi. Từ những bậc cao niên đến các bậc phụ huynh, ai nấy đều dần nhận ra tầm quan trọng của việc gìn giữ tiếng nói, phong tục của tổ tiên.
Để có trang phục, đạo cụ biểu diễn, các thành viên trong Câu lạc bộ phải tự bỏ kinh phí. Mỗi buổi sinh hoạt vào tối thứ Bảy, họ không chỉ dạy hát Soọng cô mà còn kể chuyện dân gian, giảng giải ý nghĩa từng câu hát để lớp trẻ dễ hiểu, dễ nhớ. Những cuốn sách nhỏ ghi chép lời bài hát được in bằng kinh phí tự túc, dù còn đơn sơ nhưng đã giúp các em nhỏ thêm yêu tiếng nói dân tộc mình.
Từ sự kiên trì ấy, đến nay Câu lạc bộ đã có 62 thành viên, trong đó có hơn 32 bạn trẻ. Bà Lý Thị Lan, một thành viên của Câu lạc bộ, chia sẻ: Lúc đầu, tôi tham gia chỉ vì tò mò. Nhưng sau vài buổi nghe anh Quyền giảng giải về từng câu hát, từng giai điệu, tôi mới nhận ra rằng đây không chỉ là âm nhạc mà còn là cách người Sán Dìu nói về cuộc sống, về tình yêu, về gia đình. Giờ thì tôi đã thuộc một số bài hát dân ca. Không dừng lại ở việc dạy hát, Câu lạc bộ còn phục dựng các lễ hội truyền thống, tham gia biểu diễn văn nghệ tại nhiều sự kiện lớn trong tỉnh.
Lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa dân gian cho Câu lạc bộ Văn hoá dân gian dân tộc Mông tại xã Đông ThọTừ câu chuyện của Câu lạc bộ Bảo tồn bản sắc dân tộc Sán Dìu, phong trào gìn giữ văn hóa truyền thống ở Sơn Dương ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều xã như Thiện Kế, Sơn Nam cũng đã thành lập các câu lạc bộ tương tự, quy tụ đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Các buổi sinh hoạt câu lạc bộ không chỉ là nơi giao lưu văn hóa, mà còn là không gian nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc, kết nối thế hệ già - trẻ trong cộng đồng.
Trong những năm qua, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã triển khai hiệu quả Dự án 6 về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp cùng nỗ lực của người dân, nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các DTTS trên địa bàn đã và đang được khôi phục, duy trì và lan tỏa mạnh mẽ. Từ nguồn lực dự án này, Sơn Dương đã tích cực phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang trong việc nghiên cứu, kiểm kê di sản văn hóa, kết quả đáng mừng là hiện tại huyện đã thành lập 32 Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ cho các DTTS.
Công tác bảo tồn các di sản văn hóa trên địa bàn huyện đã được duy trì và phát triển, đặc biệt là các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc như: Lễ hội Lồng tông, hát Then - đàn Tính của dân tộc Tày; Lễ cấp sắc, Lễ hội cầu mùa, hát Páo dung, thổi khèn, múa chuông của dân tộc Dao; múa khèn, thổi sáo của dân tộc Mông... Một số lễ hội vừa mang yếu tố tâm linh, vừa có ý nghĩa cộng đồng cao được chọn lọc, bảo tồn và phát huy.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống càng trở nên cấp thiết. Câu chuyện giữ gìn văn hoá của cộng đồng DTTS ở huyện Sơn Dương không chỉ là một điểm sáng trong công tác gìn giữ bản sắc dân tộc mà còn là minh chứng cho sức sống bền bỉ của văn hóa khi được nuôi dưỡng bằng tinh thần, trách nhiệm và sức mạnh cộng đồng.