Được người thầy là soạn giả nổi tiếng Diệp Vàm Cỏ hướng dẫn, chỉ dạy tận tình trong quá trình sáng tác, đến nay, soạn giả Nguyễn Văn Bớt đã sáng tác trên 100 bài ca cổ. Phần lớn các sáng tác của ông đều đã phát sóng trên các kênh Đài Truyền hình Trung ương và đài phát thanh- truyền hình các địa phương nhiều tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ. Ông cũng đã hoàn thành 2 kịch bản sân khấu cải lương chủ đề: “Cùng xây quê mới” và “Tiếng gọi quê hương”. Cả hai kịch bản này đã in chung thành sách với nhiều tác phẩm chọn lọc với các tác giả khác.
Soạn giả Nguyễn Văn Bớt chia sẻ, mỗi bài ca do ông viết là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện chủ đề tình yêu quê hương, đất nước. Ví dụ như bài ca cổ “Đức Huệ chút tình quê” đã được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thể hiện trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh-Truyền hình các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp… Tiêu biểu như tác phẩm “Vòng cung vùng đất Anh hùng” do 2 NSND Tấn Giao – Quế Trân song ca trên Đài Phát thanh Truyền hình TP. Cần Thơ. “Thương nhớ Tháp Mười”, do NSƯT Lam Tuyền ca trên Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Tháp. Hay như tác phẩm “Ngàn năm thương nhớ Trường Sa” thể hiện tình yêu với biển đảo quê hương, do nhiều nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn...
Bên cạnh đó, ông còn sáng tác nhiều tác phẩm ca ngợi về thành tựu xây dựng nông thôn mới như bài ca cổ “Cờ Đỏ quê mới tôi yêu” do NSƯT Thu Vân - Bùi Trung Đẳng song ca trên Đài Phát thanh Truyền hình TP Cần Thơ. Bài “Sắc Xuân Mỹ Khánh” do NSND Hoa Phượng và NS Đức Tài ca. “Lộc Xuân dưa - bưởi hồ lô” do nghệ sĩ Thanh Nhường ca trên Đài Phát thanh Truyền hình Hậu Giang...
Soạn giả - nhà báo Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca của Đài Tiếng nói Việt Nam nhận xét: “Soạn giả Nguyễn Văn Bớt sáng tác những bài ca vọng cổ với ca từ rất mượt mà, ý tứ sâu lắng, nên người nghệ sĩ rất dễ thể hiện cái hồn của bài ca và rất dễ dàng học thuộc. Sáng tác mang đậm tình yêu quê hương đất nước, biển đảo, tình người Nam Bộ, giản dị, mộc mạc, ca ngợi Đảng - Bác Hồ, luôn lắng đọng trong lòng khán thính giả mộ điệu...”
Trong quá trình sáng tác các bài ca cổ - sân khấu cải lương, soạn giả Nguyễn Văn Bớt luôn đề cao tinh thần phục vụ Nhân dân lên trên hết. Ông cầu thị học hỏi những cái hay, cái đẹp của các tác giả đi trước, tâm huyết sáng tác những bài ca có vần, có điệu để người ca dễ thuộc, ca từ phải chọn lọc để dễ nhớ...
Soạn giả Nguyễn Văn Bớt cho biết, một trong những mốc son đáng nhớ nhất trong sự nghiệp sáng tác của mình là bài ca cổ “Ngàn năm thương nhớ Trường Sa” được thí sinh Nguyễn Thị Luận chọn ca và đoạt Giải “Chuông vàng vọng cổ” năm 2013, do Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Đặc biệt có 2 bài ca cổ do ông sáng tác, được đông đảo công chúng mộ điệu trên cả nước biết đến là “Ngàn năm thương nhớ Trường Sa” và “Đức Huệ chút tình quê ”.
Trong thời điểm cả nước đang xảy ra đại dịch Covid-19, soạn giả Nguyễn Văn Bớt đã viết nhiều bài ca cổ, góp phần tuyên truyền người dân cùng tích cực phòng chống dịch bệnh. Tiêu biểu như bài “Tình người trong mùa dịch”, do NSND Thanh Tuấn ca trên Đài Tiếng nói Việt Nam. “Chung tay chống dịch”, do nghệ sĩ Lưu Quốc Vinh và nghệ sĩ Nhật Hoàng (Đoàn Văn công Quân khu 7) song ca trên sóng VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam. “ Quân - dân miền Đông đồng lòng chống dịch ” do nghệ sĩ Đức Tài ca trên Đài PT-TH Long An...
Cũng trong năm 2021, tại Cuộc thi sáng tác do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, tác phẩm ca cổ “Chung tay chống dịch” của Nguyễn Văn Bớt do 2 nghệ sĩ Lư Quốc Vinh - Nhật Hoàng (Đoàn Văn công Quân khu 7) song ca trên VTV1 đã đạt Giải B.
Nói về nguồn cảm hứng tạo ra chất xúc tác để tác giả sáng tác ra được những tác phẩm tâm huyết, ngôn từ giàu biểu cảm, dễ đi vào lòng người, nhạc sĩ Nguyễn Văn Bớt chia sẻ: “Tôi may mắn được sinh ra, lớn lên tại vùng giàu truyền thống đàn ca tài tử, cải lương bên sông Vàm Cỏ Đông, tuổi thơ đã gắn liền với những câu hò, điệu lý dân ca Nam Bộ. Vì vậy, tâm nguyện của tôi luôn trau dồi trong sáng tác, tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương để sáng tác thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật để phục vụ công chúng ngày càng tốt hơn…”
Thời gian tới, soạn giả Nguyễn Văn Bớt đang có nhiều dự định về sáng tác bài ca vọng cổ và kịch bản sân khấu cải lương. Trước mắt, ông đang viết một kịch bản cải lương dài và một số bài ca cổ để chuẩn bị chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).