Phải chăng, Ban tổ chức đã cố tình xúc phạm văn hóa của dân tộc?
Sau khi nhận được phản ánh của cộng đồng các DTTS, đặc biệt là cộng đồng dân tộc Thái về cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2022, có quá nhiều những hạt sạn, cả hành trình cuộc thi mà dấu ấn văn hóa các dân tộc vô cùng mờ nhạt, không đúng với tên gọi của cuộc thi. Thậm chí có những phần thi, thí sinh đã thể hiện sự thiếu hiểu biết, đã xúc phạm đến bản sắc văn hóa của dân tộc.
Việc thí sinh vô tình do sự thiếu hiểu biết có thể chấp nhận được. Thế nhưng, dù đã biết việc cách tân trang phục các DTTS cần có những giới hạn nhất định, nhưng Ban tổ chức vẫn phớt lờ. Sự việc là, tất cả trang phục dân tộc tại đêm Chung kết đều do một nhà thiết kế (NTK) tạo ra, kết quả là những bộ trang phục biểu diễn tại đêm Chung kết lố lăng đến nguy hại.
Đơn cử, chiếc khăn piêu vốn là một vật mang nhiều ý nghĩa, người Thái rất trân trọng, vốn chỉ được đội đầu và quàng trên vai, tuy nhiên, NTK đã trang trí thêm ở phần eo và chân váy, cho dù trước đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngân, Thành viên Ban Giám khảo cuộc thi đã giải thích rất rõ về ý nghĩa đặc biệt của chiếc khăn piêu. Hơn nữa, đã rất nhiều bài học về sử dụng khăn piêu trong biểu diễn bị xử lý trước đó. Phải chăng, Ban tổ chức đã cố tình phớt lờ, xúc phạm đến văn hóa của dân tộc.
Nguy hiểm hơn nữa là, cuộc thi đã được phát sóng trên sóng truyền hình quốc gia, được các phương tiện truyền thông chuyển tải một cách rầm rộ, sự hiểu sai lệch về văn hóa các DTTS rất rõ ràng. Vậy, khâu kiểm duyệt hình ảnh có vấn đề hay do sự hiểu biết về văn hóa của những người trong cuộc có vấn đề? Trách nhiệm thuộc về thí sinh hay Ban tổ chức cuộc thi? Sự việc đã được nhắc rất nhiều lần, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa ở đâu?
Báo Dân tộc và Phát triển đã đăng tải qua các bài viết: Chuyện chiếc váy Thái tại cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam năm 2022; Những “hạt sạn lớn” trong cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022: Phải chăng Ban tổ chức đã cố tình xúc phạm bản sắc văn hóa dân tộc?; Nhìn lại cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022: Thất vọng nối tiếp thất vọng.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc cuộc thi đến nay đã nửa tháng trôi qua, độc giả vẫn chưa nhận được một lời giải thích nào từ phía Ban Tổ chức. Phải chăng, tiếng nói của cộng đồng các DTTS, của các cơ quan báo chí không đáng để Ban Tổ chức quan tâm?
Các cơ quan chức năng cần vào cuộc, xử lý
Đến nay, cộng đồng các DTTS vẫn tỏ rõ sự bức xúc và mong muốn, Báo Dân tộc và Phát triển với vai trò là Cơ quan ngôn luận của Ủy ban Dân tộc, diễn đàn của đồng bào các dân tộc Việt Nam tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa để lấy lại hình ảnh, văn hóa của các dân tộc bị Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2022 làm sai lệch.
Với trách nhiệm của mình, tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) diễn ra chiều ngày 28/7, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã đặt câu hỏi về những vấn đề mà dư luận quan tâm, liên quan tới cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2022.
Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTT&DL, cho biết: “Chúng tôi đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị nhằm tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể việc thực hiện Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, để từ đó có căn cứ đưa ra những tham mưu, đề xuất điều chỉnh Nghị định cho phù hợp. Theo Nghị định 144, việc tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu được phân cấp về địa phương để chính quyền quản lý toàn diện từ cấp văn bản chấp thuận đến kiểm tra, xử lý vi phạm.
“Hiện nay, chúng tôi đã phối hợp kiểm tra tại Hà Nội (6 - 7/7) và Đà Nẵng (20 - 21/7). Trong tháng 8 tới đây, đoàn kiểm tra sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra tại TP. Hồ Chí Minh, đây là đơn vị cấp thông báo, nhận thông báo về việc tổ chức cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2022. Quan điểm của chúng tôi, tất cả các cuộc thi, nếu xảy ra vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, theo các Nghị định liên quan đến nghệ thuật biểu diễn. Nếu vi phạm Điều III, điều cấm của Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn thì chúng tôi sẽ có quyền thu hồi”, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương nhấn mạnh.
Ngoài cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2022, tình trạng “loạn” các cuộc thi hoa hậu, “loạn” danh hiệu, danh xưng hoa hậu trong thời gian qua mà đại diện các cơ quan báo chí nêu ý kiến, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn ông Trần Hướng Dương thông tin: Để giải quyết những hạn chế, lộn xộn của các cuộc thi hoa hậu hiện nay, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã yêu cầu, các sở quản lý văn hoá phải thông báo công khai, đăng thông tin trên trang thông tin của sở. Ngày 25 hàng tháng gửi báo cáo về Cục để Cục nắm tình hình và xử lý các vấn đề phát sinh về các hoạt động nghệ thuật biểu diễn được chấp thuận, tổ chức tại địa phương mình, trong đó có các cuộc thi người đẹp. Thông tin này cũng được đăng công khai lên trang web của Cục để người dân, doanh nghiệp tiện theo dõi, giám sát.
Quay trở lại cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2022, với hình ảnh các thí sinh mặc các bộ trang phục DTTS trái thuần phong mỹ tục, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên. Bà Luyến cho biết, hiện tại Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã nắm được thông tin, trong phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 8/2022) tới đây, chúng tôi sẽ nêu ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL về vấn đề trên.
Tại Điều 3, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn nêu rõ những điều cấm trong nghệ thuật biểu diễn như sau: Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thủ giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại. Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.