Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2024 - 2025 có thể giảm tới 20%, xuống còn 1,47 triệu tấn và là mức thấp nhất trong 4 năm gần đây (năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 1,61 triệu tấn cà phê). Điều này gây áp lực lên nguồn cung Robusta thế giới.
Mặt khác, những năm gần đây, giá cà phê khá thấp nên nhiều nông dân có xu hướng chuyển sang những loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Động thái này khiến diện tích trồng cà phê liên tục giảm và có thể gây nên tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong dài hạn.
Điển hình như tại Đắk Nông, địa phương hiện có khoảng 142.000 ha cà phê, sản lượng trên 360.000 tấn, đứng thứ 3 cả nước và khu vực Tây Nguyên (Đắk Lắk và Lâm Đồng). Trong nhiều năm qua, khi giá cà phê ở mức thấp không tương xứng với công đầu tư, chăm sóc nên nhiều nông dân dần chuyển sang những cây có giá trị cao hơn. Năm nay, giá cà phê ở mức cao kỷ lục sẽ là cơ hội thúc đẩy nông dân tiếp tục đầu tư chăm sóc, khôi phục lại diện tích cây trồng này
Trên thị trường nội địa, ghi nhận vào cuối tuần trước, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ tăng thêm 1.500 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 114.500 - 116.000 đồng/kg. So với 1 tuần trước đó, giá cà phê nội địa đã tăng mạnh khoảng 12.000 đồng/kg.
Tính chung cả tuần vừa qua, mặc dù chịu áp lực giảm vào ngày cuối tuần, giá cà phê trong nước vẫn tăng thêm trung bình gần 10% tương ứng 11.000 đồng/kg. So với mức đỉnh giá cao kỷ lục gần 140.000 đồng/kg được thiết lập hồi cuối tháng 4 vừa qua, thì mặt bằng giá hiện tại đang chỉ còn thấp hơn khoảng 15%.
Giá cà phê thế giới và Tây nguyên tiếp tục tăng nhanh, hướng về mốc lịch sử vào tháng 4 vừa qua. Nhận định về thị trường tuần này, các chuyên gia kinh tế cho rằng đà tăng giá cà phê vẫn còn trong bối cảnh giá cước vận tải biển neo cao.
Đà tăng của cà phê tuần trước được đánh giá đến từ nhiều nguồn. Trong đó có thông tin từ nhà giao dịch Volcafe - một nhà kinh doanh cà phê toàn cầu cho biết, sản lượng cà phê Robusta niên vụ 2024/25 của Việt Nam có thể chỉ đạt 24 triệu bao, thấp nhất trong 13 năm. Do lượng mưa kém ở Việt Nam đã gây ra “thiệt hại không thể khắc phục”. Tình trạng thiếu container rỗng, đẩy giá cước vận tải biển tăng cao đã cấy vào giá bán các mặt hàng nông sản cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng giá cà phê.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2024 - 2025 có thể giảm tới 20%, xuống còn 1,47 triệu tấn và là mức thấp nhất trong 4 năm gần đây (năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 1,61 triệu tấn cà phê). Nguyên nhân do tác động của nắng nóng đặc biệt gay gắt và kéo dài bởi El Nino.
Theo Volcafe, một nhà kinh doanh cà phê toàn cầu, sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong niên vụ 2024 - 2025 chỉ khoảng 1,44 triệu tấn. Điều này khiến cho mức thâm hụt cà phê robusta toàn cầu rơi vào khoảng 276.000 tấn. Sự thiếu hụt nguồn cung cà phê robusta tiếp tục kéo dài sang năm thứ 4 liên tiếp.